Thứ Năm, 21 tháng 8, 2014

Ấn tượng những tác phẩm sơn mài được làm từ sơn ta (P2)

Ấn tượng những tác phẩm sơn mài được làm từ sơn ta (P2)

Đến với triển lãm, người xem đều ngỡ ngàng và rung động trước những hình ảnh rất đời thường, rất gần gũi những đã biến hóa trở nên ấn tượng và có chiều sâu khi được chuyển tải trên tranh sơn mài từ chất liệu sơn ta như: phố phường Hà Nội qua tác phẩm Cầu Thê Húc của họa sĩ Trần Thị Ngọc Anh và Tháng Năm của Nguyễn Việt Anh; hình ảnh làng quê với Phong cảnh của họa sĩ Chu Việt Cường và Nhịp nắng của Nguyễn Văn Nghĩa; rất gắn bó, gần gũi với người dân Việt Nam từ thành thị đến nông thôn là hình ảnh Cổng làng của Lê Tiến Trường và Một Chút Quê của Đỗ Đức Khải; cảnh lao động sinh hoạt đời thường của người dân Việt Nam được thể hiện qua tác phẩm Đi đâu, Về Đâu của họa sĩ Nguyễn Đức Việt và Vó Đêm của Trần Tuấn Long; các loại hình nghệ thuật dân tộc đặc sắc của Việt Nam cũng được thể hiện qua tác phẩm Vở Rối nước của họa sĩ Công Quốc Thắng và Lên Đồng của Nguyễn Trọng Toàn, loài hoa vô cùng gần gũi và gắn bó với người Việt đó là hoa sen cũng được thể hiện tài tình, duyên dáng trên tác phẩm Sen của họa sĩ Nguyễn Nghĩa Đậu và Hoa Sen của Nguyễn Hải Nam.…


Những phần được dát vỏ trứng, rắc thếp vàng, bạc...sau đó được mài vô cùng tinh tế trên các tác phẩm. Ảnh Lan Hương - Cinet

Có thể nói nét độc đáo của tranh sơn mài chính là ở chỗ: Tranh sơn mài có hội đủ Ngũ hành, trong đó “Kim” là vàng và bạc; “Mộc” là vóc gỗ và nhựa sơn; “Thủy” là nước để mài tranh; “Hỏa” là lửa để nướng vỏ trứng và vỏ trai; và cuối cùng “Thổ” là khoáng chất tự nhiên như đất, đá được nghiền ra và được chế biến thành các màu như son nhì, son trai, son tươi, son thắm...Quá trình vẽ  tranh sơn mài, từ trên nền vóc (tấm gỗ được hom, bó, sơn phủ sơn ta), họa sĩ gắn những lớp vỏ trứng, trai và những lớp màu được pha với Sơn ta chồng lên nhau kèm theo những công đoạn rắc, thếp vàng, bạc... rồi ủ trong môi trường ẩm, để khô sơn sau đó mới đem mài. Khi mài tranh cũng là quá trình sáng tác của người họa sĩ, bởi người họa sĩ cần phải biết mài có chỗ nông hay sâu để hiện lên các lớp mảng màu, hình, nét... mà người họa sĩ cần giữ để có tác phẩm đẹp. Quá trình này đôi khi tạo ra nhiều hiệu quả bất ngờ, những vỏ trứng, son, màu, vàng, bạc chìm nổi trong một thứ ánh sáng hổ phách tạo nên sự kỳ ảo của màu sắc.
Các tác phẩm tham gia triển lãm sơn ta lần thứ II này, tuy không đa dạng về chủ để mà đa phần xoay hình ảnh của làng quê, khai thác vẻ đẹp của người thiếu nữ và của hoa,  những phong cảnh đẹp và nét truyền thống của dân tộc. Song, triển lãm vẫn mang lại những điều thú vị, đặc sắc, hấp dẫn với người xem bởi các tác phẩm tham gia triển lãm ngoài giá trị về mặt mỹ học, đó còn là tâm huyết của nhiều họa sĩ muốn gìn giữ chất liệu truyền thống của dân tộc. Đồng thời qua triển lãm, người xem có thể có cái nhìn sâu sắc hơn về tranh sơn mài nói chung và chất liệu sơn ta nói riêng. Bên cạnh đó, qua cách sử dụng chất liệu vô cùng tinh tế khi kết hợp cả vỏ trứng, son, bạc chìm…cùng với kỹ thuật mài công phu, các tác phẩm tại triển lãm đã đưa người xem đi qua những mảng sáng tối, sắc nét từ cái nhìn ban đầu để hiểu được hết ý tưởng, nội dung mà tác phẩm gửi gắm..
Được biết, sau khi triển lãm “Nhóm họa sĩ sơn ta lần thứ II” kết thúc vào ngày 30 tháng 5. Đầu tháng 6 tới, nhóm Sơn ta sẽ tham gia triển lãm giao lưu văn hóa tại Liên Bang Nga; và triển lãm tại bắc Kinh vào tháng 8/2014. Dự kiến nhóm sẽ thực hiện “Triển lãm nhóm họa sĩ sơn ta lần thứ III” vào tháng 5/2015. 


Sơn ta Việt Nam
Sontavietnam.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét