Thứ Ba, 19 tháng 8, 2014

Sơn Ta - Sơn Mài, Phát Triển Hay Thụt Lùi (P3)


Sơn Ta - Sơn Mài, Phát Triển Hay Thụt Lùi (P3)


Công chúng yêu sơn mài đã từng trầm trồ thán phục trước vỏ trứng biến đổi thể chất trên tranh Nguyễn Gia Trí, thì nay Nguyễn Văn Tỵ lại trình làng với những ứng xử hết sức phong phú của chất vỏ trứng trong tranh “Thiếu nữ và biển”; Vỏ trứng tung tẩy, ào ạt như nhảy mùa bên sơn then tràn trề sức sống và sáng ngời lên như vạn trân châu.




PHAN KẾ AN. Nhớ một chiều Tây Bắc. 1958


Điểm qua một số tác phẩm sơn mài với những thành công nhất định như trên, ngoài ra chúng ta còn bắt gặp xúc cảm nghệ thuật và nhiều thử nghiệm kỹ thuật trên tranh sơn mài của nhiều họa sỹ khác. Tuy vậy những tác phẩm có được sự cảm thông giữa sơn và người quả không nhiều.
Hầu hêt các họa sỹ Việt Nam ai cũng thử duyên với sơn mài, nhưng rồi người phải chia tay vì thấy không hợp tạng, người cố theo đuổi vì yêu chất sơn truyền thống, thế nhưng hình như xúc động được“nàng Sơn”. Lại có người áp đặt, ép “nàng” phải thích ứng với những gì không phải là phẩm chất tốt đẹp nhất trong tâm hồn “nàng”; kết quả nhận được như chúng ta đã thấy ở rất nhiều tranh Sơn Mài với một bộ mặt gượng ép, vụng về và vô duyên.
Rải rác và tập hợp suốt cả chặng đường diễn tiến của sơn mài, chúng ta mới có được bộ sưu tập mà ở đó, mỗi tác giả thông qua tác phẩm góp cho công chúng một cái nhìn thẩm mỹ, một giải pháp kỹ thuật, một ưu thế chất liệu. Có điều càng về sau và đặc biệt từ thời “mở cửa” đến nay Sơn Ta- Sơn Mài đang tụt lùi rõ rệt.
Ngày nay nhiều họa sỹ vẽ tranh Sơn Mài, nhưng kỳ thực có Sơn mà không có Mài. Hay đúng hơn, họ chỉ cố vờn cho được hiệu quả nổi khối từng đối tượng thị giác trong tranh. Vẽ đến đâu thấy hiệu quả đến đó, giống như kỹ thuật vẽ sơn dầu, sau đó mài lướt qua lấy phẳng. Chiều sâu mà bức tranh có được là chiều sâu do hiệu quả sử dụng những quy tắc không gian, còn chiều sâu do hiệu quả phối trợ của các lớp màu trong không gian thực không còn nữa, cách vẽ này nói chính xác là Sơn chứ không Mài. Có thể nói nó phản ánh rất rõ sự hời hợt về chất liệu, sự non yếu chuyên môn và thậm chí cả sự thiếu kém về văn hóa của người họa sĩ.
Phần lớn họa sỹ trẻ đều nhanh nhạy ứng dụng kỹ thuật Sơn Mài mà lớp cha anh đi trước đã dày công nghiên cứu, thể nghiệm. Trong khi đó những tác phẩm kinh điển của thời Sơn Mài cực thịnh được xem như những thành trì kiên cố không thể bén mảng - của báu cất giữ trong thành không thể nhòm ngó. Kẻ đạo chích chỉ nhặt được vài thứ dao cùn, rẻ rách đã hí hửng vênh vang, cộng thêm những thứ hắn nhặt được ở bất kỳ đâu trong rừng Sơn Mài, ngấu nghiến cho đến bội thực, nghẹt thở và nôn mửa trên mặt vóc những thứ đã tham lam nhồi nhét vào bụng mà không tiêu hóa nổi; có rất ít người trong số họ biết lựa những thức ăn dễ tiêu hóa hợp với thể chất của họ. Nhưng cái mà họ đạt được vẫn chỉ là cuộc chơi trang trí thị giác non kém, vụng về và nhạt nhẽo. Kẻ vay nặng lãi đang khoe mẽ giầu sang tột bậc... hơn bao giờ hết cái nghèo nàn về tâm hồn có dịp lộ rõ.
Lại có kẻ hân hoan về phép thắng lợi trong cuộc cách mạng kỹ thuật nhằm kích thích hầu bao của những kẻ lắm tiền nhưng thiếu thẩm mỹ. Đổ nhăn, đổ chảy, tạt sơn... rặt những thứ xảo thuật rẻ rúng bên những màu sắc xanh xanh, đỏ đỏ, lòe loẹt kệch cỡm. Sơn Ta bên Sơn Nhật, sơn tổng hợp... xập xí, xập ngầu tưởng chưa bao giờ sự gá duyên trắng trợn chừng ấy.
Chưa hết, thể theo thẩm mỹ của thứ công chúng nhạt nhẽo kia, kẻ nhân danh nghệ sỹ chân chính bằng mọi cách có thể khoác cho bức Sơn Mài giả cầy nông choèn, trơ trẽn, những lớp bóng trợt trên bề mặt càng làm cho nó cầy hơn, trơ trẽn hơn để theo kịp thị hiếu của kẻ mua nó và hỉ hả kẻ sinh ra nó bằng thù lao hậu hĩnh.
Từ lúc Sơn Ta được người ta phát hiện, phát triển những phẩm chất tốt đẹp nhất của nó, đến khi bước rẽ thành tên gọi Sơn Mài gặp không ít khó khăn, nhưng thật chưa bao giờ Sơn Ta - Sơn Mài chịu nỗi sỉ nhục, đau đớn, xót xa từ cái vạ lây mà thứ Sơn Mài giả cầy kia đưa lại như vậy.
Thiết tưởng những họa sỹ hay kẻ nhân danh họa sỹ chuyên sản xuất những tranh giả cầy ấy, khi tự nguyện làm ông chủ của những xưởng mỹ nghệ thì việc kiếm tiền có lẽ trở nên thiết thực và sáng tỏ, minh bạch hơn nhiều - Qua đó cũng tránh cho Sơn Ta - Sơn Mài thoát khỏi vạ lây.
Hiện nay, có nhiều họa sỹ gắn lên mặt vóc nào xi măng, giấy dó, gốm, gỗ,vải và cả bulông, ốc vít, bát đĩa,...





PHÙNG PHẨM. Chống hạn. 1990



Cùng với xu thế phát triển xã hội, Sơn Ta năng động trở mình là điều tất yếu. Tuy vậy một khi đi quá giới hạn có thể, danh không còn đúng với vật thì nhất thiết phải tìm cho vật mới một cái danh mới: Chất liệu tổng hợp trên vóc?
Một sinh viên làm bài tốt nghiệp mỹ thuật môn lụa kể lại với tôi rằng: Gỉang viên hướng dẫn cậu ta nói: Thời buổi bây giờ khác rồi, làm cái gì cũng phải tốc độ, cậu không nên ngồi tô từng lớp màu loãng như thế nữa. Phải vẽ thế này đây: Vẽ ào ạt,vẽ đậm màu... Kết quả là sau khi vị giảng viên kia thị phạm, bức lụa của người sinh viên trở nên đen ngòm.
Khỏi cần bình luận, hẳn quý vị hình như sơn mài đang tụt lui bằng chính những suy nghĩ tương tự: Đây là thời đại tốc độ, thời gian quý hơn vàng, cụ thể tính bằng tiền đô! Và thế là Sơn Mài Ta phải được thay thế bằng Sơn Mài Nhật (Cho nhanh khô)! Làm bóng ư? Có nhiều cách! Nội dung tư tưởng ư? Không cần, (Sơn Mài vẫn hợp với trừu tượng đó thôi)!. Chiều sâu chất liệu ư? (Lạc hậu )! Làm gì có thời gian để công chúng thưởng thức những thứ đó! Hê hê!!! Vẽ thả phanh đi! Và rồi thả phanh cho Sơn Nhật nhảy nhót (vì nó thiết thực, cụ thể kiếm tiền nhanh, mà cũng đỡ lao tâm, lao lực vì chinh phục chất liệu). Thả phanh cho Sơn Ta - Sơn Mài tuột dốc và khuất bóng!
Viết đến đây tôi như nghe tiếng hò hô hai ba nào...thả (cho Sơn Mài tuột dốc) và cũng nghe sượt tiếng thở dài của họa sỹ Nguyễn Gia Trí: “Thời của minh đã hết rồi” (Họa sỹ Nguyễn Gia Trí nói về sáng tạo - Ghi chép của Nguyễn Xuân Việt). Chưa đầy một phần ba thế kỷ Sơn Mài đã tạo dựng được những thành côngvững chắc khẳng định vị tri độc lập của chất liệu và có lẽ nào cũng chưa đầy nửa thế kỷ Sơn Mài đã trên đà tuột dốc để lại nỗi tiếc nuối, xót xa không chỉ cho Nguyễn Gia Trí người suốt đời gắn bó với Sơn Mài mà còn cho cả công chúng yêu Sơn Mài, biết quý trọng giá trị của Sơn Mài.
Vâng! Sơn Mài quả là đang tụt dốc với nhiều lý do chính đáng và quá nhiều điều oan ức!.
Quả thật đây là thời đại của tốc độ mà hầu hết các lĩnh vực đang phát triển với một kỷ lục chưa từng có trong lịch sử nhân loại. Cả thế giới đang rùng rùngtrên một cỗ xe tốc độ cực lớn. Tốc độ và tốc độ chóng mặt!. Chớp mắt một sản phẩm trí tuệ vừa ra đời đã trở nên lạc hậu... nhưng người làm Sơn Mài thì đi ngược lại, làm cái gi cũng chậm; Cái chậm ấy liệu có phải là những phút giây tĩnh lặng? nghỉ ngơi? Là thiền? Hay cân bằng sinh học?
Người biết vẽ sơn mài là người biết dựa vào cái chậm để lặn lội trở về nguồn.


Họa sỹ: Phạm Huy Hùng


Sơn ta Việt Nam
Sontavietnam.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét