Thứ Tư, 20 tháng 8, 2014

Từ Sơn Ta Đến Sơn Mài


Từ Sơn Ta Đến Sơn Mài


Theo Tô Ngọc Vân: "Danh từ sơn mài (laque) là một danh từ mới đặt sau này để chỉ một kỹ thuật trước kia gọi là Sơn Ta nhưng đã biến hoá hẳn do nghệ thuật mài sơn.

1- Sơn Ta


Cái lối Sơn Ta đã có tử lâu đời


Năm 1010, Lý Công Uẩn định đô ở Thăng Long đã xuất 2 vạn quan tiền để làm 8 ngôi chùa, tạc hơn 1000 pho tượng Phật, vẽ hơn 1000 bức tranh Phật. Việc xây dựng kinh đô, chùa tháp lộng lẫy đã góp phần phát triển nghề sơn, tăng cường đội ngũ thợ sơn vẽ.


Thời Trần có quy định chặt chẽ về dùng màu sơn kiệu và võng lọng. Thời Lê Trịnh, sơn được liệt vào loại sản phẩm hiếm, quý ngang đồng, sắt, tơ lụa. Các mặt hàng đồ sơn thời Lê Trịnh gồm tranh bình phong, đồ mỹ nghệ, khay bát, hòm... đã được xuất khẩu sang Anh.


Ở Thăng Long có phố Hàng Hòm và phố Nam Ngư là nơi tập trung buôn bán sơn và những người làm nghề sơn vẽ.

Đặc điểm của Sơn Ta


Sơn Ta được dùng để sơn kiệu, long đình trong đền thờ, chùa tháp, khay tráp, mâm bồng, giường tủ. trong lễ hội.. Sơn sống được pha với dầu trẩu làm sơn quang dầu, tăng độ bóng, chống bụi, chống mưa cho đồ vật dụng.


Việc pha chế sơn ta có vai trò đặc biệt quan trọng, quyết định đến sự thành bại của sản phẩm. Vì vậy, công đoạn pha chế sơn ta, đòi hỏi người thợ sơn phải có kinh nghiệm từ khâu nấu sơn, cô sơn đặc, cho đến khâu thử sơn chín.


Công dụng Sơn Ta là phủ lên đồ vật như cái khay, cái tráp, đôi guốc…đồ thờ nó tôn vẻ lộng lẫy, Nói rõ ra, Sơn Ta chỉ có công dụng trang trí


Cái đẹp của Sơn Ta

Trong cuốn “Ký sự đàng ngoài”, cố đạo người Pháp Tissanier đã khen: Người Việt không có những tàu biển lớn nhưng có những thuyền do người chèo rất đẹp. Những thuyền này được sơn son thếp vàng. Nước sơn của họ đẹp đến nỗi tôi không thấy ở đâu có thể bằng được".


Nhận định về lối Sơn Ta


Theo Tô Ngọc Vân: Cái lối sơn ta cổ hào nhoáng, lòe loẹt, son giữa màu son, vàng chỉ có sắc vàng, trơ trẽn như anh nhà giàu phô của. Vàng bạc, sơn son, sơn then, người ta chỉ dùng nguyên chất có chừng độ khi người ta xét thấy cần phải dùng đến cho toàn thể tấm sơn. Rồi cũng ngần ấy vật liệu đè lên nhau mài đi, mài lại, người ta chế ra được màu dìu dịu đỡ tầm thường. Người ta có thể tưởng tượng một "thầy sơn," chung quanh là mấy ông phó sơn giúp việc, chia nhau từng đoạn vẽ mà bôi sơn vào, bằng những màu đã tìm sẵn và đã ấn định cho chỗ nào rồi.


Song, từ 1931 trở đi, Sơn Ta đã vượt được ra phương trời xa lạ mà tiến. Từ cái tráp, chiếc guốc, nó vượt lên bức họa lồng khung quý giá, từ một phương tiện phụ thuộc làm tôn vẽ đồ vật, nó trở nên một phương tiện độc đáo diễn đạt nổi tâm hồn người nghệ sĩ. Quên dĩ vãng. Sơn Ta đổi tên nhũn nhặn là Sơn Mài." Lối sơn ta không còn là một mỹ nghệ nữa

2- Sơn mài

Nghệ thuật sơn mài


Trước đây, người ta chỉ dùng sơn ta trong trang trí đồ thờ cúng, làm hàng mỹ nghệ. Vào những năm 30 của thế kỷ XX, một số sinh viên Việt Nam đầu tiên theo học tại trường Mỹ thuật Đông Dương như Nguyễn Gia Trí, Phạm Hậu, Nguyễn Khang, Trần Văn Cẩn và nghệ nhân Đinh Văn Thành đã mạnh dạn thử nghiệm đưa kỹ thuật sơn ta vào làm tranh Sơn mài. Đây là sự tìm tòi và phát triển kỹ thuật của nghề sơn thủ công truyền thống thành kỹ thuật, nghệ thuật sơn mài độc đáo của Việt Nam.


Sơn mài có nhiều chất liệu độc đáo mang đậm hồn dân tộc, dung dị mà thuần khiết chất Á Đông. Các bước trình tự thực hiện một sản phẩm khởi đầu bằng sơn mài nhám gỗ, lót sơn sống, hom sớ gỗ, bọc vải hom, lót, mài lót, in mẫu, vẽ nét, tô màu, phủ cánh gián, quang đen, quang màu, đánh bóng và cuối cùng là lau dầu.


Việc tạo hình ảnh, màu sắc cũng không đơn giản: vẽ vàng, thiếp bạc, phủ véc ni, những màu chính trong sơn mài là đỏ, đen và cánh gián. Các màu khác chỉ pha trộn màu để diễn tả. Riêng màu trắng rất khó thể hiện nên phải cẩn bằng vỏ trứng. Muốn có nhiều màu lóng lánh, phản chiếu tự nhiên thì cẩn ốc sà cừ.




Sơn mài đã được nâng lên thành loại mỹ thuật thượng đẳng nhờ vào tư tưởng mới về nghệ thuật sơn mài của Nghệ sỹ Nguyễn Gia Trí (1908 - 1993). Nghệ sỹ quê ở huyện Chương Mỹ, Hà Tây tốt nghiệptrường Cao Đẳng Mỹ thuật Đông Dương. năm 1936, Ông được mệnh danh là " cha đẻ những bức tranh sơn mài tân thời của Việt Nam". Những tác phẩm của ông có thể tìm thấy trong viện Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh

Nghệ thuật sơn mài của Nghệ sỹ Nguyễn Gia Trí

1-Chất liệu


Vào thập niên 40 thế kỉ 20, khi sáng tác sơn mài, Ông đã tạo ra được một phong cách riêng về chất liệu.


Mặc dù chất liệu xem ra rất nghèo nàn, Nguyễn Gia Trí đã tài tình làm chủ được chất liệu để dựng nên một thế giới hội họa đầy tính sáng tạo, hết sức sống động, ảo hoặc rất thơ mộng và có hồn.. Mỗi chất liệu có đặc điểm riêng. Phải nắm được tính chất riêng của nó mà phát triển. Ví dụđộ dày mỏng trong sơn dầu, độ phẳng trong sơn mài. Ông đã tạo cho tranh sơn mài một vẻ đẹp lộng lẫy, óng ả, sâu thẳm, lộng lẫy mà rất trầm mặc, đưa kĩ thuật sơn mài lên đỉnh cao, khẳng định tầm quan trọng của chất liệu hội hoạ trong nền mĩ thuật Việt Nam

2-Thẩm mỹ


Ở những tranh sơn mài có kích thước lớn, nghệ sỹ Trí luôn mở rộng tầm nhìn thẩm mỹ, đặt cái cổ kính bên cạnh cái tân kỳ, cái lộng lẫy sang trọng cạnh sự giản dị mộc mạc, ý tưởng hy vọng đặt bên cạnh sự hoài niệm... Cái nhìn thẩm mỹ tạo hình, là cái vốn giúp Ông xây nên sự nghiệp tranh để đời cho mình


Trên những màu hồng nhợt biến hóa, những sắc nâu ngon thật là ngon, những vỏ trứng như đổi tất cả thể chất để thành quý vật. Những màu hoen hoen đứng cạnh nhau, cân đối dung hòa một cách tuyệt khéo, đem lại cho người biết hưởng cảm giác bồn chồn rạo rực.


Vài nét bạc, vài nét vàng sáng rọi, vung lên, rít lên như tiếng kêu sung sướng của xác thịt khi vào cực lạc.


Nghệ sĩ Trí yêu tấm Sơn Mài: lúc âu yếm bằng những nét vuốt ve mềm mại, lúc dữ dội bằng năm bảy nét mạnh đập tung, cào cấu. Mỗi tác phẩm nghệ sĩ Trí đều mang tâm trạng của mình trong nó, dồi dào linh động, phức tạp.

Xin mời độc giả coi vài bức Sơn Mài

của nghệ sỹ Nguyễn Gia Trí





Cảnh làng quê




Tấm bình phong Phong cảnh rất nổi tiếng của Nguyễn Gia Trí thường gọi là Dọc mùng, sơn mài, 160x400cm, 1939– Một trong những tác phẩm sơn mài được coi là đẹp nhất Việt Nam





Tranh sơn mài “Vườn xuân Bắc Trung Nam” của ông trong Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh


Sơn ta Việt Nam
Sontavietnam.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét