Thứ Sáu, 22 tháng 8, 2014
Về với sơn ta
Về với sơn ta
Mai Châu (họa sĩ Nguyễn Kim Đồng)
Tại phòng trưng bày này, họa sĩ Phạm Chính Trung - giảng viên ngành sơn mài trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội cùng các học trò đã chọn treo 3 tác phẩm của cố họa sĩ Nguyễn Kim Đồng (1922 - 2009) như một sự tri ân với người thầy thuộc thế hệ thứ nhất của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, người cả đời gắn bó với sơn mài. Với nhiều phong cách khác nhau và phần lớn các tác phẩm được sáng tác gần đây (năm 2012, 2013), người xem sẽ cảm nhận rõ: Dù được sáng tác trên chất liệu truyền thống sơn ta, nhưng những bức họa vẫn mang nhiều dấu ấn của nghệ thuật đương đại.
Triển lãm "Sơn ta” là tâm huyết từ rất lâu của các họa sỹ sơn mài với mong muốn được giới thiệu rộng rãi đến công chúng yêu nghệ thuật cả nước loại hình nghệ thuật truyền thống là các tác phẩm hội họa bằng chất liệu sơn mài. Bởi lâu nay, chất liệu này đã dần vắng bóng.
2. Cách đây gần 3 tháng, tại nhà triển lãm mỹ thuật Hà Nội (16 Ngô Quyền), triển lãm tranh sơn mài của họa sĩ Phùng Dzi Thuần cũng đã khơi lại trong người xem những cảm hứng với sơn ta. Hơn 30 bức tranh của ông trên chất liệu sơn ta thứ thiệt đã chỉ cho người xem thấy được phần nào sự độc đáo của loại tranh được vẽ bằng sơn ta. Và cũng chính từ triển lãm này, người ta lại thấy tiếc cho một thể loại tranh sơn mài một thời là niềm tự hào của mỹ thuật Việt Nam. Ấy là những "Lớp học đêm” của Nguyễn Sáng, "Điệu múa cổ” của Nguyễn Tư Nghiêm, "Tát nước đồng chiêm” của Trần Văn Cẩn… Hay bức bình phong 6 tấm mang tên "Bờ ao” của họa sĩ Trần Quang Trân, tác phẩm "Phong cảnh Bắc Kỳ” của Lê Phổ… Đó đều là những tác phẩm sơn mài lẫy lừng của nền hội họa Việt thuộc về lớp họa sĩ đầu tiên tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Điều lấy làm tiếc là càng ngày người sử dụng chất liệu sơn ta để sáng tác tranh sơn mài càng ít đi. Thay vào đó là chất liệu công nghiệp.
No 1 (họa sĩ Nguyễn Văn Bảy)
Họa sĩ Phùng Dzi Thuần chia sẻ: Gắn bó với chất liệu sơn ta từ khi mới 15 tuổi, đến nay ông vẫn mải miết nuôi niềm đam mê vẽ tranh sơn ta giữa thời buổi họa sĩ "sống gấp” bây giờ. Dù đã ở tuổi 77, nhưng ông luôn trăn trở về nghệ thuật vẽ sơn ta: "Sơn mài truyền thống là một vốn tinh hoa của dân tộc, nhưng vào thời buổi kinh tế thị trường này, khi mọi thứ phải sống gấp, chúng ta đang dần đánh mất nó”. Nhiều họa sĩ Việt Nam chuyển sang sản xuất tranh công nghiệp vì vừa rẻ vừa dễ làm. Ngược lại, các họa sĩ nước ngoài lại đang mải miết tìm đến với sơn ta. Như thế có khác gì hội họa Việt đang tự đánh mất thương hiệu? Và không chỉ họa sỹ Phùng Dzi Thuần, mà nhiều người cho rằng, đó là hệ quả của một thời gian dài thị trường mỹ thuật bị thao túng bởi những người kinh doanh chỉ chạy theo lợi nhuận mà thiếu cái tâm. Vậy nên, cuộc triển lãm của họa sĩ Phùng Dzi Thuần khi ấy cũng là sự thể hiện một mong muốn giản dị, nhưng chân thành là khơi lại cảm hứng và trách nhiệm của các họa sĩ trẻ với chất liệu sơn ta nói riêng, cho nền mỹ thuật Việt Nam nói chung.
3. Say sưa với chất liệu sơn mài truyền thống, từng có những triển lãm cá nhân về chất liệu sơn dầu và sơn mài tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, họa sĩ Phạm Huy Hùng cũng rất trăn trở với việc gìn giữ chất liệu sơn ta truyền thống. Theo anh, cảm hứng nghệ thuật, linh hồn nghệ thuật dân tộc Việt Nam từ Đông Sơn đến 1925 chủ yếu được thể hiện ở điêu khắc, và ở đây trong giá trị tinh thần của những tượng phật, tượng tổ, tượng chân dung... không thể phủ nhận những vai trò rất lớn của chất liệu sơn ta. Vậy là trước khi có trường Mỹ thuật Đông Dương, trước khi lớp sinh viên đầu tiên nghiên cứu đưa sơn ta vào sáng tác hội họa thì sơn ta đã từng có địa vị nghệ thuật vững chắc trên cơ sở kết hợp chất liệu với kiến trúc và điêu khắc.
Nghĩ gì đây (họa sĩ Hà Huy Mười)
Họa sĩ Phạm Huy Hùng luôn đau đáu trong hành trình trở về với sơn ta: Cả thế giới đang rùng rùng trên một cỗ xe tốc độ cực lớn. Tốc độ và tốc độ chóng mặt! Chớp mắt một sản phẩm trí tuệ vừa ra đời đã trở nên lạc hậu... nhưng người làm sơn mài thì đi ngược lại, làm cái gì cũng chậm. Cái chậm ấy liệu có phải là những phút giây tĩnh lặng, nghỉ ngơi, là thiền, hay cân bằng sinh học? Người biết vẽ sơn mài là người biết dựa vào cái chậm để lặn lội trở về nguồn.
Sơn ta Việt Nam
Sontavietnam.com
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét