Có đúng là sơn ta có chất lượng cao nhất?
Nguyễn Đình Đăng
Trong bài “Phùng Dzi Thuần: say với chất nhựa sơn ta”, tác giả Phùng Hoa Miên viết:
“Tuy nhiên, theo đánh giá của chuyên gia nước ngoài, giống cây sơn của Việt Nam là loại cho nhựa có chất lượng cao nhất.”
Thực tế có phải như vậy không?
Cây sơn mọc ở Bắc Việt Nam và ở Đài Loan thuộc giống có tên khoa học là Rhus succedanea. Cây sơn mọc ở Trung Quốc, Triều Tiên và Nhật Bản thuộc giống Rhus vernicifera. Còn cây sơn mọc ở Thái Lan và Miến Điện thuộc giống Melanorrhoea usitata. Nhựa hay sơn chiết từ cây sơn ta là laccol, nhựa cây sơn Nhật là urushiol, còn nhựa chiết từ cây sơn Thái là thitsiol. Urushiol rất bóng và khô nhanh, được người Nhật dùng để phủ các đồ gỗ, sứ và kim loại. Urushiol phủ trên các đồ cổ của Nhật có thể trường tồn 700 năm mà không thay đổi tính chất.
Theo Saeko Ando – hoạ sĩ Nhật bản, chuyên gia về sơn mài Việt Nam, người mở lớp dạy kỹ thuật vẽ sơn mài truyền thống của Việt Nam tại Hà Nội từ nhiều năm nay – Nhật Bản có nhập nguyên liệu sơn ta (laccol) từ Việt Nam, nhưng ở Nhật nguyên liệu này bị coi là có chất lượng thấp vì khô rất chậm và kém rực rỡ1.
Tuy nhiên, Saeko Ando cũng nói rằng sơn ta chỉ lý tưởng trong điều kiện độ ẩm cao như ở Việt Nam, trong khi sơn urushiol của Nhật khô quá nhanh đối với kỹ thuật sơn mài Việt Nam. Sở dĩ sơn ta không rực rỡ như sơn urushiol của Nhật vì hàm lượng keo (gum) trong sơn ta cao. Nhưng tính chất này lại khiến màng sơn ta mềm hơn, nhờ đó hoạ sĩ hay nghệ nhân dễ đánh giấy ráp (mài) mặt sơn tới nhẵn bóng, hoặc làm lộ ra các lớp sơn bên dưới trong kỹ thuật vẽ tranh sơn mài. Trong khi đó, màng sơn urushiol của Nhật khi khô thì cứng tới mức được người Nhật ngày xưa dùng để bọc đầu mũi tên, phủ lên áo giáp, v.v.. Ngoài ra, sau đó gum trong laccol vẫn tiếp tục “khô” (Cũng như sơn dầu, sơn ta, urushiol, và thitsiol khô do bị oxy hóa, tạo ra các liên kết ngang), khiến mặt sơn mài càng để lâu càng trở nên trong sáng, cứng và rực rỡ hơn.
Vì vậy khẳng định “giống cây sơn của Việt Nam là loại cho nhựa có chất lượng cao nhất” là khá mơ hồ. Thế nào là có chất lượng cao nhất? Đối với kỹ thuật vẽ sơn mài Việt Nam thì chất lượng của sơn ta có thể tốt, như đã giải thích ở trên, song đối với đồ mỹ nghệ của Nhật thì chưa chắc, nếu không nói là không. Hơn nữa khẳng định “Nó (sơn mài) hoàn toàn khác hẳn các dòng sơn của Nhật Bản, Trung Quốc, Lào, Thái Lan chỉ dừng lại ở các đồ thủ công, mỹ nghệ” chỉ đúng có một nửa (kỹ thuật làm tranh sơn mài của Việt Nam là độc đáo). Tại Nhật Bản chẳng hạn, sơn urushiol (漆urushi) đã được dùng trong hội họa từ cuối thế kỷ XIX, ít nhất trước ta khoảng nửa thế kỷ, và được gọi là urushi-e (漆絵) tức tranh lacquer. Danh họa Shibata Zeshin (1807 – 1891) là người đã khám phá ra phương pháp cho phép pha trộn các màu sơn urushiol mà không làm chúng biến chất. Ông còn tìm ra các phụ gia cho phép vẽ sơn này lên các chất liệu mềm như giấy mà không bị thấm, xuống màu hay nứt vỡ. Không ai biết các bí quyết của ông song chất lượng gần như hoàn hảo của các bức urushi-e ông vẽ là minh chứng cho tài nghệ của ông.
Xem vài urushi-e của Shibata Zeshin dưới đây.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét