Thứ Ba, 26 tháng 8, 2014

Nữ họa sỹ Nhật Bản mê sơn mài Việt Nam


Nữ họa sỹ Nhật Bản mê sơn mài Việt Nam

Từ một nữ tiếp viên hàng không, ANDO SAEKO đến Việt Nam học và trở thành họa sỹ. Đối với chị, mọi thứ dường như tình cờ nhưng lại mang cơ duyên. Niềm đam mê nghệ thuật sơn mài là một trong những lý do quan trọng đã níu giữ cô gái Nhật Bản này gắn bó với Hà Nội hơn 12 năm qua.





Ando Saeko không nghĩ mình đã chọn Việt Nam mà do cơ duyên đã đưa chị đến và ở lại Việt Nam. Đến Việt Nam năm 1995 trong một chuyến du lịch, lúc đầu thấy văn hóa Việt Nam hơi khó hiểu so với các nước châu Á khác, nên chị quyết định ở lại lâu hơn để hiểu về văn hóa Việt Nam. Trong những lần đi du lịch ở Hà Nội, Ando Saeko đã xem một vài bức sơn mài ở khu phố cổ, song chị thấy đó chỉ là những bức tranh hàng chợ, kém chất lượng, bong nhanh trong khi mẫu mã thì lạc hậu. Chị cảm thấy tiếc bởi việc làm ra những tác phẩm đó tốn không ít thời gian. Sao lại như vậy? Câu hỏi ấy cứ ám ảnh mãi khiến chị muốn tìm hiểu đến tận cùng về môn nghệ thuật mà người ta vẫn ca tụng này. Thật may chị đã gặp được họa sỹ Trịnh Tuân, một người Việt Nam rất đam mê tranh sơn mài truyền thống. Xem xong bức tranh họa sỹ Trịnh Tuân đưa cho, chị đã bị chinh phục và tự nhủ, mình sẽ theo đuổi môn nghệ thuật này.






Ando Saeko cho biết, sơn truyền thống, người Việt vẫn gọi là sơn ta, màu không sặc sỡ nhưng có độ sâu và đậm nét hơn, đặc biệt sau khi vẽ, sờ không bị dính, càng để lâu, lớp sơn càng chắc, trong và sáng. Đó là loại sơn quý. Chị thật sự lo lắng khi nghĩ đến chuyện sẽ không còn tồn tại một dòng tranh sơn mài truyền thống. Điều đó càng thôi thúc chị quyết tâm hơn để khôi phục và phát triển nghệ thuật này.


Những ngày đầu học sơn mài là cả vấn đề đối với Ando Saeko. Song, sức hút của nghệ thuật sơn mài đã tiếp thêm sức mạnh và khiến chị không những thích mà còn đam mê. Chị đã dành nhiều thời gian để đi lên vùng núi Tam Thanh, Phú Thọ, tìm hiểu về cách lấy sơn sống của nhân dân nơi đó. Càng hiểu, càng ngắm, chị càng thấy yêu. Trong những năm ở Hà Nội, chị đã tận dụng thời gian học đầy đủ các kỹ thuật sơn mài truyền thống cũng như kỹ thuật của một số nghệ nhân. Nhờ đó, Ando Saeko đã có một cái nhìn đầy đủ về sơn mài, từ làm sơn, đánh sơn, làm vóc, bó, hom, thí, vẽ, mài…, có thể tự mình làm mọi bước chứ không chỉ đơn thuần vẽ dựa trên các công đoạn mà người thợ đã làm sẵn như nhiều họa sỹ sơn mài Việt Nam khác. Bằng niềm đam mê và dốc sức, hết lòng, Ando Saeko đã thực sự bước chân vào thế giới sơn mài Việt Nam trong tâm thế của người Việt và kế thừa những kỹ thuật truyền thống Việt Nam.

Không chỉ học nghề mà Ando Saeko còn truyền nghề cho rất nhiều người nước ngoài. Học trò của chị ở khắp nơi trên thế giới. Đó là những người đến Việt Nam du lịch, những người biết chị qua các phương tiện thông tin đại chúng và những người nước ngoài đang sống tại Hà Nội. Với Ando Saeko, việc giới thiệu sơn mài truyền thống của Việt Nam cho người nước ngoài cũng là niềm vui, niềm hạnh phúc.

Năm 1998, Ando Saeko đã tổ chức triển lãm riêng lần đầu tiên tại Hà Nội và sau đó là tại TP Hồ Chí Minh; rồi nhiều thành phố khác của Nhật Bản như Kobe, Kyoto, Nagoia. Người xem thích thú bởi ở Nhật Bản người ta toàn làm đồ đạc bằng sơn mài chứ không làm tranh để treo. Người Nhật rất ngạc nhiên khi được xem tranh sơn mài của Việt Nam, với nhiều chất, nhiều màu. Ở Nhật sơn mài chỉ dùng khảm bạc, khảm trai, khảm trứng. Nhiều nghệ nhân sơn mài cũng không biết sơn mài có thể làm được thành tranh. Tháng 3.2000, Ando Saeko là người nước ngoài đầu tiên được kết nạp thành viên Hội Mỹ thuật Hà Nội.


Sơn Sơn ta Việt Nam

Sontavietnam.com


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét