Thứ Ba, 30 tháng 9, 2014

Sơn ta - Tinh hoa nghệ thuật Việt Nam


Sơn ta - Tinh hoa nghệ thuật Việt Nam


Nghề sơn truyền thống của người Việt đã có lịch sử lâu đời. Thời Lê trong cuốn "Bình Vọng Trần thị gia phả" đã nói về ông Tổ nghề sơn. Hiện nay, tại làng Bình Vọng (huyện Thường Tín, Hà Nội) còn có đền thờ ông Tổ nghề sơn và tương truyền rằng, các học trò của ông tỏa đi khắp nơi, tạo nên những phường thợ riêng.


Nghề khảm ở làng Chuôn, xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên. Ảnh: Thái Hiền


Mỗi phường thợ lại sáng tạo, phát triển ra nhiều kỹ thuật độc đáo và giữ thành bí quyết riêng. Ví dụ như: Sơn then Đình Bảng (Từ Sơn, Bắc Ninh); Đồ nét và cuống ghép nứa Cát Đằng (Nam Định); Hàng tráp quả chợ Bằng (Hà Đông, Hà Nội); Hàng chúng khảo chợ Dầu (Nam Định); Đồ khảm làng Chuôn, làng Tre (Phú Xuyên, Hà Nội); Nghề dát vàng bạc Kiêu Kỵ (Gia Lâm, Hà Nội); Bột son thần (Hàng Gai, Hà Nội)…
Nguyên liệu chính của nghề sơn chính là sơn ta (tiếng trong giới chuyên môn thường gọi để phân biệt với nhiều loại sơn khác). Sơn ta được lấy từ nhựa cây sơn trồng chủ yếu ở vùng Trung du Bắc bộ (Yên Bái, Phú Thọ…). Không chỉ có ở Việt Nam, cây sơn có nhiều giống, được trồng ở một số nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Campuchia, Lào, Thái Lan… Tuy nhiên, theo đánh giá của chuyên gia nước ngoài, giống cây sơn của Việt Nam là một trong những loại cho nhựa có chất lượng tốt nhất. Nhựa cây sơn ta là một chất lỏng quánh, có màu trắng ngà như sữa, có mùi chua nhẹ. Sơn ta có độ dính cao, làm keo gắn rất chắc. Sơn khô rồi rất bền, không thấm nước, không bị mối mọt, chịu được axít và nước biển, chịu nóng cao. Sơn ta tuy cứng nhưng lại có độ dẻo, đàn hồi hòa hợp với cốt gỗ. Khi bị tác động vẫn bám chắc, không bong tróc, rạn vỡ. Mặt sơn dễ mài phẳng, có độ trong, bóng cao giúp tôn màu sắc trở nên rực rỡ, sâu thẳm và bền màu. Đấy chính là những ưu việt của sơn ta. Cùng với nghề sơn truyền thống, sơn ta đã góp phần tô điểm cho cuộc sống bằng những tác phẩm phù điêu, điêu khắc, đồ chạm, sơn son thiếp vàng ở những nơi trang nghiêm như cung điện, đền đài, chùa, miếu… cho đến những vật dụng hằng ngày như hộp, tráp, cơi trầu, bàn ghế…

Năm 1930 đã đánh dấu một mốc quan trọng trong lịch sử nghề sơn truyền thống khi Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương chính thức mở xưởng nghiên cứu sơn ta. Từ đó, sơn ta có điều kiện ứng dụng trong hội họa, cụ thể là kỹ thuật mài ra hình sau khi làm những lớp màu chìm. 

Và thế là nghệ thuật tranh sơn mài ra đời sau những tìm tòi của các bậc tiền bối như họa sĩ Trần Văn Cẩn, Trần Quang Trân, Nguyễn Khang, Phạm Hậu, Lê Phổ, Nguyễn Gia Trí… Những tác phẩm tuyệt đẹp sử dụng chất liệu sơn mài có thể xem như bằng chứng đầu tiên khẳng định đẳng cấp hội họa đích thực của thể loại này là của Trần Quang Trân - tác phẩm "Bờ ao" (Bình phong 6 tấm), Lê Phổ - Phong cảnh Bắc Kỳ và Nguyễn Gia Trí - người có khối lượng tranh lớn và thành công nhất.



Sơn mài sơn ta truyền thống sử dụng cùng với son thần, vỏ trai, vỏ trứng, vàng bạc thật và nhiều màu, chất liệu khác tạo vẻ đẹp lung linh, huyền ảo cho các tác phẩm hội họa mà không chất liệu nào sánh được. Nó hoàn toàn khác hẳn các dòng sơn của Nhật Bản, Trung Quốc, Lào, Thái Lan chỉ sử dụng trong sản xuất đồ thủ công, mỹ nghệ.

Tinh hoa vốn quý của dân tộc là vậy, nhưng cho đến nay sơn ta có chiều hướng mai một khi người ta sử dụng sơn công nghiệp, sơn điều để thay thế do chạy theo lợi nhuận và "ngại" làm. Tại sao nói vậy, vì sơn ta thực sự khó dùng. Mặt khác, một số nước xung quanh đánh giá chất lượng cao của sơn ta nên thu mua nhiều, đẩy giá sơn lên cao. Điều này có thể nhận thấy khi dạo qua các Galery ở Việt Nam. Hầu hết không còn thấy tranh sơn ta. Điều đó chính là sự day dứt của một số người tâm huyết với nghệ thuật tranh sơn ta mà điển hình là họa sĩ Phùng Dzi Thuần. Ông là học trò của Giáo sư, họa sĩ Phạm Hậu, Trần Quang Trân, Nguyễn Ưng Sao và nghệ nhân Đinh Văn Thành. Là một trong số ít người dành trọn cuộc đời cho sự đam mê nghệ thuật tranh sơn ta, năm nay đã cận kề tuổi 80, họa sĩ Phùng Dzi Thuần cho biết: "Trong khi người Pháp (các GS Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương) cũng như nhiều nhà sưu tập trên thế giới đánh giá rất cao ngôn ngữ hội họa được thể hiện rất thành công bởi chất liệu tranh sơn ta và kỹ thuật luyện chế thành sơn chín (cánh dán, sơn then) được xem như bí quyết thì hiện nay, chúng ta lại đang lãng quên dần, thậm chí làm biến tướng một cách vô ý thức. Công chúng yêu nghệ thuật dần không được thưởng thức vẻ đẹp khác biệt của nghệ thuật tranh sơn ta với các chất liệu khác". Cũng vì lẽ đó mà họa sĩ Phùng Dzi Thuần luôn tận dụng thời gian để tìm tòi, sáng tác đồng thời khích lệ các thế hệ trẻ gìn giữ và phát triển nghệ thuật tranh sơn ta. Ông còn cho rằng, muốn bảo toàn được nghệ thuật tranh sơn ta thì phải làm cho công chúng yêu nghệ thuật phân biệt được tranh sơn ta và tranh sơn công nghiệp như hàng thật với hàng giả. Hiểu được cái đẹp cao quý rất riêng của tranh sơn ta, họ sẽ đến với loại hình này và trân trọng thưởng thức nó...



Chia sẻ bởi 
Sơn ta Việt Nam 
Thiết kế Website bởi Wlike.vn

Thứ Hai, 29 tháng 9, 2014

Thế giới huyền ảo của tranh sơn ta

Thế giới huyền ảo của tranh sơn ta

Lần thứ hai tôi vào xem tranh của “Nhóm họa sĩ Sơn ta Việt Nam”, triển lãm mở từ 16 - 30/5/2014 tại Viện Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam với cảm xúc ngày càng bất ngờ. Hai chữ “Sơn ta” thật giản dị, khiêm nhường nhưng lần này, 29 tác giả đã làm nên một khu vườn nghệ thuật trầm ấm, dịu dàng và say đắm chất phiêu linh. Cho dù ở bất cứ đề tài nào, động hay tĩnh, các tác phẩm đã phát huy được chất liệu cổ truyền mang đậm sắc vàng son cùng với sự giao thoa những bảng màu hiện đại, tạo được nét mới lạ cho tranh Sơn ta.


Tranh Đêm hội Long Trì - Nguyễn Trường Linh.

Sự dấn thân trong một thế giới đầy bí ẩn

Tôi nói không ngoa rằng, để giữ được chứ chưa nói phát huy cho hết sự bí ẩn của tranh sơn mài Việt Nam, đòi hỏi sự dũng cảm và hết mình trong lao động của mỗi họa sĩ. Đã hàng chục năm qua, tranh sơn ta bị bỏ rơi và biến chất với những thứ sơn Nhật, sơn Thái, sơn Tàu, qua những tranh sơn mài giả cầy để bán cho khách du lịch. Đó chỉ là những bức tranh bóng nhẫy, cứng nhắc, nông choèn với sắc màu sặc sỡ thị trường.

Nhiều người hoang mang lâu nay luôn luôn tự vấn, còn đâu những vẻ đẹp huyền ảo và sâu lắng ấm áp của những hình ảnh tranh sơn mài của những bậc tiền bối khai phá ra một dòng tranh sơn mài, đậm chất thi ca của dân tộc cổ truyền. Danh họa Nguyễn Gia Trí đã từng bày tỏ về sự lao động của mình với tranh sơn mài thuở ban đầu: “Tôi tìm tòi và sáng tạo với tất cả linh tính. Không phải sáng tạo bằng mắt, bằng tay mà gần như người mù sờ soạng, mò mẫm trong đêm tối để tìm cái đẹp...”. Điều đó đã nói lên công việc làm tranh sơn mài có màu sắc tâm linh và sản phẩm hình thành đôi khi là cả một sự bất ngờ đối với chính họa sĩ.

Sơn là vẽ, mài cũng là vẽ. Sơn chồng sơn. Hình ẩn, nét chìm cùng những chạm cẩn vỏ trứng, vàng bạc bỗng hiện lên sau những cảm xúc qua công đoạn mài cần mẫn theo thời gian. Có những tác phẩm phải mất vài ba tháng mới hoàn thành là vì thế. Không ít tác phẩm sơn mài của những họa sĩ tài năng đã trở nên vô giá như Hoa dọc mùng, Chùa Thiên Mụ của Nguyễn Gia Trí; hay Mùa đông sắp đến của Trần Văn Cẩn; hoặc Nhớ một chiều Tây Bắc của Phan Kế An. Còn nữa, đây đó là tranh của Trần Đình Thọ, Nguyễn Sáng, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Văn Tỵ... Đặc biệt, với danh họa Nguyễn Sáng - người được coi là một họa sĩ tiêu biểu, ở đỉnh cao khi miêu tả hiện thực sống động nhất qua nghệ thuật tranh sơn mài, mà trước đó nó chỉ phù hợp với những phong cảnh thiên nhiên giàu ý thơ. Đó là Lớp học đêm hay Kết nạp đảng ở Điện Biên Phủ... chất thâm trầm phôi phai lung linh của sơn mài đã được họa sĩ Nguyễn Sáng phả hơi thở của thời đại với sự huyền ảo lạc quan và nồng ấm sự sống.

Một quá trình lao động “khổ sai” cho nghệ thuật tranh sơn mài theo đúng nghĩa, đòi hỏi một tình yêu nghề nghiêm túc và không vụ lợi. Tôi muốn nhấn mạnh thêm điều đó để nói lên tình yêu đối với nghệ thuật sơn mài của “Nhóm họa sĩ Sơn ta Việt Nam” này thật đáng quý trọng.

Họ là những ai?

Trong số 29 họa sĩ của nhóm, có lẽ người lớn tuổi nhất là họa sĩ Ngô Chính (sinh năm 1940), một số họa sĩ trẻ ở độ tuổi ba mươi như Chu Viết Cường, Hà Anh Tuấn...; còn lại đa số đã ở tuổi 40. Hầu hết trong số họ đều đã đạt thành tích và giải thưởng mỹ thuật của quốc gia hay thành phố. Nhóm họa sĩ Sơn ta này tuy mới được thành lập 2 năm nay nhưng có không ít họa sĩ trước đó đã từng theo đuổi sự nghiệp nghệ thuật sơn mài khá bền bỉ. Có thể nói, họ là những người vẽ sơn mài chuyên nghiệp ngay từ khi bước vào nghề. Nổi lên trong số này có những cái tên như: Trần Phi Trường (sinh năm 1953), Trần Tuấn Long (sinh năm 1967), Nguyễn Trường Linh (sinh năm 1971) và Hà Anh Tuấn (sinh năm 1980)...Điểm qua mỗi người của mỗi thời đoạn mới thấy họ thành danh và đều là hội viên của Hội Mỹ thuật Việt Nam và trưởng thành rất sớm với nghệ thuật tranh sơn mài. Mỗi người một vẻ và có khuynh hướng khai thác đề tài tuy đậm chất hiện thực, nhưng vẫn lấp lánh chất vàng son một thuở mà ông cha ta đã để lại. Chất ảo đan xen làm chất hiện thực càng lung linh lãng mạn.

Lần này, vượt ra khỏi những Nhịp điệu công nghiệp, hay Xương rồng biển hoặc Gặp gỡ... của mình, họa sĩ Trần Phi Trường bày bức Thiên Thần với sự khám phá hết mình qua khuynh hướng trừu tượng, độc đáo. Mọi chất liệu được huy động với hiệu quả bất ngờ, trong các mảng son, then, trứng ốc sinh động với một thế giới của đàn cá đang bơi lội. Bên cạnh đó là Vó đêm của Trần Tuấn Long lại có một sự lung linh khác. Những quầng sáng tạo nên ảo giác đến mê hoặc trong một hiện thực tưởng như trần trụi. Bức tranh làm cảm động lòng người với vẻ đẹp thăm thẳm của những ráng vàng trong đêm đen.

Nhưng có lẽ toát lên vẻ đẹp sang trọng và thể hiện được hoàn thiện mọi thế mạnh của tranh sơn mài thì họa sĩ Nguyễn Trường Linh có ưu điểm nổi bật trong phòng tranh. Anh là người chuyên tâm một đề tài là Hà Nội với nhiều tác phẩm tiêu biểu như: Phố gầm cầu, Hà Nội năm 1972 hay Thành phố Rồng bay... Bên cạnh những đề tài hiện thực, anh còn có không ít tác phẩm đậm chất ấn tượng và hoành tráng như Trần gian và Vũ điệu sống... Trong triển lãm này, anh bày Đêm hội Long Trì với tất cả những phẩm chất mà anh đã có. Một hiện thực bay bổng trong một bố cục ấn tượng cùng những chi tiết ẩn sâu và bừng sáng chất sử thi. Một tác phẩm đậm chất Hà thành, hào hoa thanh lịch.

Lớp kế tiếp Nguyễn Trường Linh có thể nói Hà Anh Tuấn lại có cách sơn ta riêng của mình. Hà Anh Tuấn có tư chất của một nhà thơ đi một vệt cảm xúc với những Trưa vàng, Lối về hay Quê ngoại hoặc có khi là Ngõ quê, sự Bình yên và Phong cảnh vùng cao... Lần này, chất thơ ấy được trưng lên qua Ráng chiều. Thế mạnh của Hà Anh Tuấn là khai thác chất liệu “kim” như vàng, bạc tạo nên cái hồn cốt của ánh sáng giàu tâm cảm của một thi nhân.

Bên cạnh các anh chuyên một đời với sơn mài thì các họa sĩ khác cũng không kém về tài năng thể hiện qua chất liệu này. Đó là sự độc đáo qua tác phẩm Hoang dã của Ngô Chính; Mơ bay của Phạm Trà My; Vở rối nước của Công Quốc Thắng; hay là bộ tranh Sen mang tên Nguyễn Nghĩa Dậu. Cùng với đó là Biển gọi em của Nguyễn Thanh Giang, Bình minh trên cao nguyên đá Đồng Văn của Phạm Quang Tuấn và Phố Hà Nội của Lục Quốc Sỹ. Ấy là chưa kể đến Lên đồng của Nguyễn Trọng Toàn, Nhịp nắng của Nguyễn Văn Nghĩa hay Tình yêu của Vũ Tuấn Dũng và kể cả Bán thân của Vũ Đình Bình... đều đem lại nét tươi mới cho phòng tranh. Mỗi họa sĩ tìm ra được miền cảm xúc của mình qua mạch nguồn mỹ cảm Sơn ta. Điều đó nói lên sự thành công của triển lãm lần này.

Niềm hy vọng có thật

Phòng tranh Sơn ta lần này khá dồi dào về đề tài, kèm theo đó là sự ứng dụng thêm chất liệu làm phong phú cho bảng màu tranh sơn mài mang tính truyền thống bấy lâu nay. Qua đó, ta thấy sức thể hiện đa dạng của tranh sơn ta nhưng vẫn bảo tồn được những vẻ đẹp huy hoàng của một thời đã ghi dấu hàng trăm năm của nghề sơn ta mà ông cha ta đã để lại.


Mặc cho những khó khăn trước mắt và nhu cầu của thị trường tranh cũng rơi vào thời kỳ khủng hoảng với những mục đích giải trí; nhóm họa sĩ Sơn ta đã cùng nhau dấn thân, gìn giữ và phát huy dòng tranh sơn mài truyền thống, tiến tới đỉnh cao nghệ thuật hội họa. Đó là sự thử thách đầy cam go trước những nhu cầu của mưu sinh cơm áo, gạo tiền. Tôi tin đội ngũ của nhóm họa sĩ Sơn ta ngày một đông hơn. Nhiều tài năng sẽ hội tụ bởi họ là những họa sĩ có mục tiêu cao cả và đáng hy vọng cho việc gây dựng một nền nghệ thuật tranh Sơn ta sánh ngang với các nền hội họa thế giới với ý nghĩa sâu sắc: đó là dòng tranh độc đáo của riêng Việt Nam.



Chia sẻ bởi 
Sơn ta Việt Nam 
Thiết kế Website bởi Wlike.vn

Chủ Nhật, 28 tháng 9, 2014

Vẻ đẹp riêng của tranh sơn ta

Vẻ đẹp riêng của tranh sơn ta


Mười năm "đóng cửa", chuyên tâm nghiên cứu, sáng tác, tìm tòi chất liệu sơn ta truyền thống để cho ra những bức tranh mang vẻ đẹp riêng, ở tuổi 80, họa sĩ Phùng Dzi Thuần mới công bố những sáng tác của mình trong triển lãm tại tầng 2, Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền, Hà Nội. Qua triển lãm này, ông muốn công chúng hiểu được vẻ đẹp đích thực của tranh từ chất liệu sơn ta và trân trọng chúng. 

Nhiều người tò mò khi nghe họa sĩ tuyên bố "đây là triển lãm đặc biệt", có lẽ bởi hiếm người Việt Nam theo đuổi chất sơn ta trong sáng tác, dù đó là chất liệu thuần Việt. Theo các nhà phê bình mỹ thuật đến xem triển lãm, quả đúng là hiện không có nhiều họa sĩ chuyên sử dụng chất liệu sơn ta trong sáng tác tranh sơn mài. Họ thường dùng sơn Nhật hoặc sơn polime. Lý do đơn giản, sơn ta là một chất liệu khó chiều, thậm chí là rất đỏng đảnh, chỉ thích hợp với khí hậu có độ ẩm cao như ở Việt Nam. Tranh sơn ta khô rất chậm vì có hàm lượng keo cao, vì vậy, chỉ cần họa sĩ sơ suất, không chú ý đến thời tiết, không ủ đúng lúc thì tranh sẽ bị hỏng, nhòe, không đạt hiệu quả. 


Một bức tranh sơn ta của họa sỹ Phùng Dzi Thuần.

Ở Việt Nam trước đây, tranh sơn ta được sử dụng nhiều trong nghệ thuật sơn mài cũng bởi màng sơn mềm, họa sĩ có thể mài, đánh giấy ráp để lộ ra những lớp màu sơn bên trong rất hiệu quả, hoặc dùng để gắn vỏ trai, vỏ trứng, khảm vàng…, theo mục đích sáng tác. Họa sĩ Phùng Dzi Thuần khẳng định rằng, không phải lúc nào ông cũng thành công với tranh sơn ta. Mất nhiều năm trời, có khi vẽ xong, chỉ một đêm nữa là tranh khô rồi, vậy mà gặp trời hanh, không kịp ủ, thế là phải bỏ đi. Họa sĩ nói, tất cả tranh của ông đều sử dụng hoàn toàn sơn ta được lấy từ cây sơn trồng tại Phú Thọ. Sở dĩ Phùng Dzi Thuần bị chất liệu này mê hoặc là bởi tranh từ chúng có vẻ trầm ấm, kín đáo, mang màu sắc truyền thống rõ rệt. Có thể tranh sơn Nhật hoặc tranh sơn polime có màu sắc rực rỡ hơn, dễ khô và không phải chăm sóc nhiều, nhưng với những đề tài truyền thống, đậm tính dân tộc thì chúng thường không được các họa sĩ tin dùng, đơn giản là bởi dễ bị lòe loẹt quá.

Nếu không bàn nhiều đến chất liệu, chỉ qua xem tranh, phòng trưng bày của họa sĩ Phùng Dzi Thuần quả là ấn tượng. Là họa sĩ gốc Hà Nội, đề tài ông chọn luôn mang dáng dấp của phố phường đất Kinh kỳ với nét truyền thống rõ rệt. Tranh hầu hết là khổ lớn, đề tài chính là cảnh sắc Hà Nội, chân dung nhân vật và vẻ đẹp thiếu nữ. Những bức "Ô Quan Chưởng xưa", "Chợ Hàng Bè", "Hương đồng gió nội", "Phố cổ"… giữ được màu trầm ấm, hoài cổ, dễ khiến người xem xúc động. Đến xem tranh của Phùng Dzi Thuần, người ta còn được gặp những nhân vật thú vị: Bà Huyện Thanh Quan, thi sĩ Hồ Xuân Hương, nhạc sĩ Văn Cao, Trịnh Công Sơn, Thị Màu… hay những hình ảnh "trích" từ tác phẩm "Mùa lá rụng", "Một cõi đi về"… Chiếm nhiều nhất và cũng đặc sắc nhất là tranh về phụ nữ và tình yêu. Vẻ đẹp của người phụ nữ trong tranh của Phùng Dzi Thuần có sức mê hoặc, gợi cảm nhưng không phô bày, chất chứa tâm trạng và suy nghĩ. Điều đó hiển hiện ở "Tắm đêm trăng", "Cơn mưa chiều", "Khi giận, khi thương", "Tình họa sĩ", "Thiếu nữ với mùa thu", "Tình trong sóng gió"…

Theo họa sĩ Phùng Dzi Thuần, không dễ phân biệt được tranh sơn ta và tranh sử dụng chất liệu sơn khác. Ông muốn công chúng thấy được vẻ đẹp riêng của tranh sơn ta, yêu thích và cùng gìn giữ. Triển lãm này chỉ trưng bày khoảng 1/3 số tranh mà họa sĩ sáng tác trong 10 năm trở lại đây. Ông có cả bức tranh rộng đến chục mét vuông, treo kín một bức tường lớn, đó mới là kỳ tích trong quá trình chinh phục chất liệu nổi tiếng khó chiều này.


Chia sẻ bởi 
Sơn ta Việt Nam 
Thiết kế Website bởi Wlike.vn

Thứ Bảy, 27 tháng 9, 2014

Sơn mài qua giấc mơ sáng tạo của Nguyễn Gia Trí


Sơn mài qua giấc mơ sáng tạo của Nguyễn Gia Trí


“Đến cuộc thí nghiệm của Nguyễn Gia Trí, lối sơn ta không còn là một mỹ nghệ nữa, ở óc, ở tâm hồn người làm ra nó sơn mài đã được nâng lên Mỹ thuật thượng đẳng. Nghệ thuật của Nguyễn Gia Trí là ý tưởng, tình cảm của Nguyễn Gia Trí đúc lại - một nét, một vết, một màu đều ở tay nghệ sỹ mà ra, đứng trước những tác phẩm ấy người ta cảm thấy tất cả cái băn khoăn yêu muốn khoái lạc - thứ nhất là khoái lạc của Nguyễn Gia Trí” (Tô Ngọc Vân - bút hiệu Tô Tử - đã nhận định về “Nguyễn Gia Trí và sơn ta”, báo “Ngày nay”, số 146, ngày 21.1.1939).



Họa sĩ Tô Ngọc Vân tài danh nằm trong bộ tứ nổi danh của hội họa Việt Nam đầu thế kỷ 20 - nhất Trí (Nguyễn Gia Trí), nhì Lân (Nguyễn Tường Lân), tam Vân (Tô Ngọc Vân), tứ Cẩn (Trần Văn Cẩn) đã viết về những tác phẩm sơn mài của Nguyễn Gia Trí trưng bày tại Triển lãm Mỹ thuật của Trường Mỹ thuật Đông Dương năm 1939 như vậy.

Họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung, nguyên Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, trong cuộc Triển lãm Mỹ thuật năm 1944 tại Hà Nội đã phải thốt lên “Nghệ thuật sơn mài của Nguyễn Gia Trí là nghệ thuật của một con người kỳ dị và thông thái” do những khám phá, thoát ra, đầy tự do khoáng đạt, lộng lẫy, biến ảo, hấp dẫn của cuộc sống như thật, như mơ trong tranh của Nguyễn Gia Trí.
Nguyễn Gia Trí là người họa sĩ đầu tiên đưa sơn ta mỹ nghệ lên tầng cao của những bức tranh sơn mài nghệ thuật đích thực - Đúng như họa sĩ Tô Ngọc Vân đã nói sơn ta không còn là một mỹ nghệ nữa, mà qua Nguyễn Gia Trí sơn mài đã được nâng lên mỹ thuật thượng đẳng!
Tôi được xem tranh của Nguyễn Gia Trí lần đầu tiên khi tôi khoảng 10 tuổi, lúc đó tôi thấy mình muốn vẽ để giải tỏa một cái gì đó dấy lên trong tâm hồn mình - bố tôi - nhà văn Kim Lân thấy như vậy lẳng lặng mượn ở thư viện về những tập báo Ngày Nay, Tiểu thuyết thứ bảy, Phong Hóa… từ những năm 1939 - về cho tôi học hỏi hội họa của họa sĩ Nguyễn Gia Trí.
Thời kỳ những năm tháng xưa ấy, bố tôi được “cắp tráp theo hầu” họa sĩ Nguyễn Gia Trí, ông kể cho tôi nghe ông được theo bác Trí phụ làm sơn mài, cẩn trứng, khắc sơn, làm tất cả những việc vặt của thợ phụ sơn mài cho bác Trí.
Ông nói với tôi đây là một họa sĩ tài hoa, người đứng đầu Việt Nam trong tranh sơn mài, một họa sĩ lao động nghiêm khắc với sáng tạo nghệ thuật của mình, người đã khai mở và nâng tầng ra nền hội họa từ sơn ta mỹ nghệ thành sơn mài nghệ thuật. Ngoài ra ông cũng là họa sĩ bậc thầy về hình họa, kỹ thuật, và có tài năng khác nữa đó là vẽ minh họa.
Qua những số báo thời đó bố tôi đã được học hỏi hội họa của họa sĩ Nguyễn Gia Trí đầu tiên là những bức minh họa của ông. Cho đến nay mỗi lần nhớ lại tôi vẫn thấy rõ mồn một những bức minh họa sống động của ông. Những mảng đen, trắng, bố cục và những thân phận con người trong từng minh họa. Bố tôi nói: “Con hãy xem và học, mỗi nhân vật trong minh họa của ông đều hiện rõ cuộc đời, thân phận của những người đàn ông, đàn bà, ông già, trẻ con, thiếu nữ…”. Vẽ minh họa là để làm sáng tỏ, nêu bật điểm trọng tâm của tác giả bài văn, bài thơ, dựa vào bài viết của tác giả, họa sĩ chọn lấy cái tinh túy cốt lõi cô đọng của bài viết ấy để làm minh họa, nên trong mỗi minh họa của bác Trí đều hiện lên những cảnh, những con người, con vật rất điển hình của câu chuyện với thân phận cụ thể của từng người. Tôi nhớ như in những bà Phán ngồi ăn trầu, áo dài khăn vấn mầu đen, mỗi khuôn mặt một vẻ như đang nói chuyện với nhau, hay đang nghĩ ngợi điều gì, những mảng mầu đen mạnh mẽ, đơn giản nhưng vẫn cảm thấy tất cả hình hài bên trong, cho thấy một người rất lão luyện về hình họa nhưng không lệ thuộc vào sao chép mà đã tạo dựng nên những mảng mầu đơn giản nhưng vững chãi với những chi tiết đắt giá - đủ thấy bác đã quan sát thực tế rất tinh vi để chắt lọc lấy những nét tưởng như vô tình nhưng là những nét không thể thiếu, không thể thừa cho dù là bức minh họa nhỏ hay lớn, cho thấy bác rất cẩn trọng nhưng cũng vô cùng thoáng đạt sáng tạo trong từng nét bút của chính mình. Tôi đã được học đầu tiên từ bác Trí chính là những tác phẩm minh họa của bác, rồi sau này mới được xem đến tranh sơn mài của bác.
Bây giờ, nhìn rất nhiều minh họa của một số họa sĩ trên báo chí tôi thấy họ vẽ nhiều màu sắc, cách điệu hình thể đẹp mắt nhưng nhìn chung gần như không liên quan mấy đến nội dung bài viết. Hình mầu, nhân vật đều giông giống nhau tạo phong cách mới nhưng nó giống như một bức tranh hoàn toàn tách biệt không liên quan gì đến cái gọi là minh họa cho tác phẩm mà mình cần làm.



Xem những minh họa của bác Nguyễn Gia Trí, tôi thích quá đòi bố tôi dắt đến nhà bác chơi, bố tôi trầm ngâm nhìn tôi hồi lâu rồi nói: “Bác Trí không còn ở miền Bắc nữa, không gặp bác được nữa con ạ” - rồi bố tôi kể - khi giải phóng Thủ đô, bố tôi được trọng trách cử xuống Hải Phòng tìm bằng được bác Trí để giữ bác ở lại miền Bắc, khi xuống đến Hải Phòng mọi người nói bác đã lên tàu rồi, chạy vội ra cảng, nhìn đoàn người chật ních trên tàu đang nhổ neo đi, bố tôi nhìn thấy bác Trí vẫy gọi, hai thầy trò chỉ còn vẫy tay chào tạm biệt, không biết đến khi nào gặp lại.
Đến khi giải phóng miền Nam 1975, bác Trí đã đóng cửa không tiếp những nhân vật lãnh đạo văn hóa, văn nghệ từ Hà Nội vào thăm. Bố tôi một lần nữa lại được cử vào Sài Gòn đến gặp bác. Bác đã đón tiếp bố tôi chân thành, cởi mở, chẳng biết họ đã giãi bày cùng nhau những gì nhưng cánh cửa của bác Trí đã không còn lạnh nhạt như xưa với những người từ Hà Nội vào nữa.
Bố tôi nói với tôi, bác Trí là người rất có cá tính, tuy sống rất điềm đạm nhẹ nhàng nhưng cũng ương ngạnh cổ quái vô cùng, ông chẳng quan tâm gì đến những danh vọng, tiền tài ngoài nghệ thuật, không cứ gì với những người lãnh đạo nghệ thuật miền Bắc thời kỳ đầu 1975 ông lạnh nhạt không tiếp, mà ông cũng đuổi ra khỏi nhà người đại diện của chính phủ Ngô Đình Diệm vì đã trả giá bức tranh của ông khi họ định mua để tặng cho UNESCO ở Pháp. Ông cũng từ chối không bán tranh cho Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn những năm trước 1975, đúng như Nguyễn Đỗ Cung đã nói “Nguyễn Gia Trí là con người kỳ dị và thông thái”.
Tôi lại nhớ khi tôi làm đại diện cho Bảo tàng Nghệ thuật Châu Á của Nhật, có đưa các chuyên gia đi mua tranh cho bảo tàng đến Gallery Đức Minh gặp anh Bùi Quốc Trí con trai ông Đức Minh - nhà sưu tập tranh lớn nhất Việt Nam những thập niên 1960 - 1980. Đoàn rất thích bức sơn mài “Thiếu nữ bên hoa Phù Dung” của Nguyễn Gia Trí nên hỏi mua. Anh Trí nói giá nửa triệu đô la nhưng anh không bán mà giữ lại như một báu vật cho gallery của mình. Anh Trí còn nói bức tranh này có một kỷ niệm với gia đình, đó là năm 1945 khi Bác Hồ đọc “Tuyên ngôn độc lập” và tiếp các đoàn Bác đã cho người đến mượn bức tranh này để treo tại Phủ Chủ tịch nhân ngày lễ trọng đại này.
Thật cảm động khi biết rằng, tranh của Nguyễn Gia Trí đã được trân trọng giữ gìn ở các bảo tàng, các bộ sưu tập tư nhân trong và ngoài nước như một tài sản văn hóa vô giá.
Là một họa sĩ tài năng, bản lĩnh, thanh tĩnh, nhẹ nhàng, không màng tiền tài, danh vọng, suốt đời sáng tạo, cống hiến cho nghệ thuật, ông đã từng nói: “Chân, thiện, mỹ là một, không có đầu có cuối. Mọi cái gì đạt đến tuyệt đối đều có những thứ ấy”.
Trong suốt cuộc đời lao động tìm tòi sáng tạo của ông, ông đã để lại một sự nghiệp nghệ thuật hội họa lớn cho dân tộc, người có công đánh dấu bước ngoặt lớn trong lịch sử hội họa Việt Nam, người đã nhìn ra khả năng kỳ diệu của sơn mài trong cơn mơ sáng tạo của đời mình.



Cho đến đầu thế kỷ 20, nghệ thuật tạo hình Việt Nam thường là vô danh, vẫn chỉ là nghệ thuật dân gian và mỹ nghệ. Cho tới khi Trường Mỹ thuật Đông Dương thành lập năm 1924 ở Hà Nội, nghệ thuật bác học mới thực sự ra đời - và Nguyễn Gia Trí là một trong những người đầu tiên nâng tầm sơn ta mỹ nghệ thành sơn mài nghệ thuật - đánh dấu mốc cho nền văn hóa nghệ thuật của đất nước một bước ngoặt của sự chuyển mình hoàn toàn mới mẻ, đầy sáng tạo nhưng cũng đầy dấu ấn Nguyễn Gia Trí không thể lẫn lộn của dân tộc Việt Nam. Những tác phẩm của ông để lại là một tài sản vô giá cho đất nước ta.



Chia sẻ bởi 
Sơn ta Việt Nam 
Thiết kế Website bởi Wlike.vn



Thứ Sáu, 26 tháng 9, 2014

Tranh sơn mài và giấy dó Việt đến với công chúng Pháp

Tranh sơn mài và giấy dó Việt đến với công chúng Pháp


Từ 4- 28/2/2014, tại phòng tranh Victoria, Paris, Pháp diễn ra triễn lãm “Niềm tin và thời gian” của họa sỹ Mai Đắc Linh.

Tiếp thu phong cách tạo hình châu Âu nhưng mang một tư duy triết học Á đông sâu sắc, tranh của họa sỹ Mai Đắc Linh sử dụng ngôn ngữ của phương Tây để nói về các giá trị Việt và được công chúng Pháp đón nhận với sự trân trọng.

"Niềm tin và thời gian" là triển lãm cá nhân đầu tiên của họa sỹ Mai Đắc Linh tại Pháp với 13 bức tranh sơn mài, trong đó có 5 bức khổ lớn và gần 10 tranh giấy dó. Điều thú vị là triển lãm giới thiệu thành quả hoạt động nghệ thuật mang tính giao thoa Đông- Tây của họa sỹ, với các bức tranh sơn mài công phu mà anh đã thực hiện tại Việt Nam và các bức tranh giấy dó thực hiện trong thời gian chuyển sang sinh sống và làm việc tại Paris.
Những mảng màu độc đáo trên tranh giấy dó bồi trên toan của họa sỹ Mai Đắc Linh



Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Hà Nội vào năm 1993, họa sỹ Mai Đắc Linh đã có hơn 20 năm cầm cọ vẽ. Anh đã được biết đến tại Việt Nam như họa sỹ vẽ tranh giấy dó rất thành công khi vừa tốt nghiệp và nhận giải thưởng Đồng toàn quốc năm 1995, sau đó giải B không có giải A khu vực 1 toàn miền Bắc năm 2004 cho bức sơn mài “Ánh sáng ấm áp”.

Năm 1999, Mai Đắc Linh trưng bày triển lãm tranh sơn mài lần đầu tiên và sau đó 5 năm, anh có triển lãm “Còn mãi với thời gian” tại Hà Nội. Năm 2003, Mai Đắc Linh tham gia triển lãm tranh quốc tế tại Bắc Kinh với bức sơn mài “Ánh sáng tinh thần” do Ban tổ chức của triển lãm lựa chọn và giờ đây, anh giới thiệu các tác phẩm của mình với công chúng Paris.

Tiếp cận Paris – kinh đô của nghệ thuật là điều không dễ, nếu không phải là các tác phẩm có giá trị cao và một điều mà triển lãm của họa sỹ Mai Đắc Linh đã làm được là tạo ấn tượng rất sâu sắc với những người yêu tranh ngay tại buổi khai mạc.
Khách Việt Nam và Pháp thích thú với bức sơn mài "Danh gia vọng tộc"



Nhận xét về tranh của Mai Đắc Linh, nhà phê bình người Pháp Corinne de Ménonville, tác giả cuốn “Hội họa đương đại Việt Nam” nhấn mạnh họa sỹ Mai Đắc Linh đi đúng con đường sáng tạo sơn mài mà những người khai sáng trường Mỹ thuật Đông Dương (sau này là trường đại học Mỹ thuật Hà Nội) mong muốn.

Bà Corinne nói: "Những điểm độc đáo nhất là cách họa sỹ Linh sử dụng kỹ thuật sơn mài, chế ngự được màu sắc, tạo nên những sắc màu trầm nhưng trong veo. Những họa tiết hoa sen, trống đồng Đông Sơn, nhiều hình ảnh truyền thống Việt Nam… đã được anh chuyển thể thành công vào sơn mài. Khi anh chuyển sang sống tại Paris, rất khó làm sơn mài vì những lý do về thời tiết, khí hậu, anh chuyển sang làm tranh giấy dó, loại giấy rất đặc biệt truyền thống trong tranh Đông Hồ của Việt Nam. 

Những sáng tạo của anh thật độc đáo, tôi rất thích cách anh dán những sợi dây trên tranh kết hợp giấy dó bồi trên toan. Màu sắc anh sử dụng trong tranh giấy dó lúc dịu nhẹ khi tươi mới. Sự sáng tạo không ngừng của họa sỹ Mai Đắc Linh tạo nên những tác phẩm rất thú vị, kết hợp giữa Đông và Tây, tiếp tục chuyển tải những giá trị Việt trong tranh, dù là chất liệu sơn mài hay giấy dó”.

Nổi bật trên nền tường trắng muốt, mỗi bức sơn mài của Mai Đắc Linh đều ánh lên long lanh quí giá, dù ngả về vàng hay xanh, đỏ hay đỏ hồng, mỗi mảng màu đều đa tầng, đa lớp trong các bức “Thời gian trong tay”, “Một mình”, “Danh gia vọng tộc”, hay lấp lánh vàng trong “Dòng chảy”. Những bức này đều hoàn thành từ vài năm cho đến chục năm trước ở Việt Nam, tác giả cho biết sử dụng sơn ta chất lượng tốt sẽ có hiệu quả rất tuyệt vời theo thời gian. Khi ánh sáng chiếu vào, tranh của anh trong đến độ tưởng như có thể thấy màu sắc khác nhau từ lớp nọ xuyên qua lớp kia, vì thế nhà phê bình nghệ thuật Bùi Như Hương đã từng nói “tranh của Linh giống như ngọc, như đá quý” vậy.
Bức tranh "Lúc tươi mới"



Thay vì gợi hình với những mảng màu lớn, vững chãi nhưng còn vương nét suy tư trong sơn mài, những sáng tạo tranh giấy dó bồi trên toan của họa sỹ Mai Đắc Linh có màu sắc dịu nhẹ, trừu tượng hơn với những ô màu nhỏ nghiêng về sáng và tươi tắn.

Trên các bức như “Tàn phai”, tác giả sử dụng đường nét nổi làm từ các đoạn dây mỏng được sắp xếp tỉ mỉ. Hai bức “Vĩnh cửu” hay “Thực tại” sáng tác gần đây nhất, mang phong cách hoàn toàn trừu tượng, chỉ còn thấy màu sắc đơn giản, thậm chí không màu và sắp xếp các đoạn dây nối với nhau, khi thưa khi mau, tạo nên những chia cắt và mảng hở có tính toán, lại như những chuyển động của một dòng sông là một sáng tạo rất “độc đáo” như nhiều khách xem tranh nhận xét.

Họa sỹ Mai Đắc Linh chia sẻ ý tưởng sáng tác của anh xuất phát từ ý thức của con người Việt Nam về niềm tin và thời gian, về gia đình, về Phật giáo… Dù trầm lắng trong sơn mài hay tươi sáng và rộn ràng trong tranh giấy dó, thì thông điệp chủ đạo của họa sỹ là muốn chuyển tải tinh thần nhân văn và đạo Phật đến với người xem.
Họa sỹ Mai Đắc Linh 



“Tôi là người rất tôn sùng đạo Phật và cũng có một số trải nghiệm nhỏ về tôn giáo này. Việt Nam là đất nước nông nghiệp và hầu như ở một ngôi làng nhỏ nào cũng có một ngôi chùa, tinh thần Phật giáo đối với người Việt rất rõ ràng. Từ xưa các cụ cũng từng dùng chất liệu sơn mài để thể hiện những bức tượng Phật, làm những đồ thờ cúng, đồ dùng trong các nghi thức Phật giáo. Đó cũng là một câu chuyện, sự tích để mình nối liền với công việc của mình. Tôi cũng muốn chuyển tải một phần tinh thần nhân văn, tinh thần Phật giáo vào tranh sơn mài của mình, đó cũng là cái để nói và đối thoại được nhiều với người xem” - sỹ Mai Đắc Linh chia sẻ.

Bà Anne Coralie Phachan, Chủ tịch Phòng tranh Victoria – một người gốc Việt - đặc biệt ấn tượng trước việc họa sỹ sáng tạo với những sợi dây trên tranh giấy dó bồi trên toan. Theo bà Phachan, đó là những con đường của sự “trừu tượng”. Theo thời gian, những đường vẽ màu của họa sỹ sẽ mờ đi, còn những con đường trên sợi dây sẽ rõ nét hơn và tạo những hiệu ứng rất thú vị.

Nếu như nghệ thuật là sứ giả của tâm hồn dân tộc, giúp mọi người ở các nền văn hóa khác nhau cũng có thể đồng cảm và tăng hiểu biết lẫn nhau, thì đến với tranh của họa sỹ Mai Đắc Linh, những người yêu nghệ thuật ở Pháp sẽ đến được với một tâm hồn Việt một cách dễ dàng.


Chia sẻ bởi 
Sơn ta Việt Nam 
Thiết kế Website bởi Wlike.vn





Thứ Năm, 25 tháng 9, 2014

Tấm lòng của những người Pháp yêu nghệ thuật


Tấm lòng của những người Pháp yêu nghệ thuật




Bức tranh sơn mài Đám rước, được họa sĩ Nguyễn Gia Trí (1908 - 1993) sáng tác năm 1939, khổ 3mx1,8m, thuộc sở hữu của Tổng Lãnh sự quán Pháp tại TPHCM vừa được họa sĩ Nguyễn Lâm phục chế thành công. Kinh phí để thực hiện việc này hoàn toàn do những người Pháp đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam quyên góp.




Rộng lòng với di sản

Đám rước được họa sĩ Nguyễn Gia Trí vẽ xong vào tháng 11-1939 tại TP Hà Nội. Tác phẩm sơn mài khắc chìm này có kích thước 3mx1,8m được ghép lại từ 9 tấm nhỏ, mỗi tấm có kích cỡ 1mx0,56m trên một bộ khung gỗ nhóm A, dày 0,25m, nền vóc làm bằng gỗ mít có bề dày 0,1m. Họa sĩ bọc vải và lót nhiều lớp sơn sống, mài phẳng rồi phủ màu son. Nội dung của bức tranh ca ngợi cảnh làng quê Bắc bộ thanh bình với cây gạo, bụi tre, hàng chuối, cánh đồng, mương máng, gác chuông chùa. Trên đồng ruộng, người đang tát gầu sòng, kẻ tát gầu dây tưới nước cho ruộng lúa, người mò cua bắt ốc, người đang đánh giậm, xa xa là một đám rước hội làng đang tiến lại.




Họa sĩ Huyền Lam đang đánh bóng tranh Đám rước bằng bột than và chu. Ảnh: N.L.


Không ai biết bức tranh thuộc bộ sưu tập của Tổng Lãnh sự quán Pháp tại TPHCM từ bao giờ. Nhưng đầu tháng 4-2011, khi ông Fabrice Maurìes đến nhậm chức tổng lãnh sự thì đã thấy nó được treo trang trọng ở ngay phòng khánh tiết của tổng lãnh sự. Trải qua mấy chục năm lớp bụi bám đã làm cho bức tranh xuống màu, bong tróc vài chỗ… Xót xa trước sự xuống cấp của một trong số những tác phẩm hiếm hoi còn thấy ở Việt Nam của một họa sĩ đại tài, ông Fabrice Maurìes lập tức vào cuộc. Ông nhớ lại: “Tôi mời một chuyên gia mỹ thuật người Pháp đến thẩm định bức tranh, nhưng người ta đưa ra cái giá tiền công rất lớn. Trong những cuộc gặp gỡ với bạn bè và những người Pháp đang sinh sống và làm việc ở Việt Nam, tôi đều chia sẻ với họ về hiện trạng của bức tranh và mong muốn tìm cách lau sạch bụi bám trên mặt tranh với giá cả có thể chấp nhận được”. Tâm sự của ông lập tức nhận được sự đồng cảm của ông Guy Lacombe, nhà sưu tầm nghệ thuật. Ông Guy Lacombe liền đứng ra vận động bạn bè là những người Pháp ở Việt Nam có tình yêu nghệ thuật góp tiền gây quỹ phục chế tranh. Mọi người hưởng ứng nhiệt tình và 3 tháng sau đã có đủ tiền chi phí cho công việc quan trọng này. “Mọi chuyện rất dễ dàng vì người Pháp rất rộng rãi khi được kêu gọi đóng góp cho việc bảo tồn di sản văn hóa”, ông Fabrice Maurìes hồ hởi kể.

Niềm hãnh diện của người tỉ mỉ

Yêu cầu của ông Fabrice Maurìes là công việc phục chế phải được làm tỉ mỉ ngay trong tư dinh của tổng lãnh sự. Ông Guy Lacombe đến tìm gặp họa sĩ Nguyễn Lâm, người có thâm niên hơn 50 năm làm sơn mài. Ông từng là thành viên sáng lập Câu lạc bộ họa sĩ trẻ Sài Gòn những năm 1960, cùng thời với các họa sĩ Nguyễn Trung, Hồ Hữu Thủ, Đỗ Quang Em, Trịnh Cung... Thế là họa sĩ Nguyễn Lâm được mời vào gặp ông Fabrice Maurìes và được tin tưởng mời làm việc.

Hàng ngày, họa sĩ Nguyễn Lâm cùng các con là họa sĩ Huyền Lam, Lâm Huỳnh Sơn, Lâm Lan và nghệ nhân Huyền Ly bắt tay vào việc phục chế tranh Đám rước. Đầu tiên, họ tháo gỡ bức tranh ra khỏi khung. Tiếp đến, mọi người gò lưng ngồi tỉ mẩm tẩy lớp bụi khói ra khỏi bề mặt bức tranh. Họ dùng nước sạch và giấy nhám nhục xoa nhẹ trên mặt tranh cho tới khi thấy màu son nguyên bản của bức tranh hiện lên. Công đoạn hom và đắp những chỗ sơn bị ăn mòn hoặc trầy xước, bong tróc là xem chỗ nào bị ăn mòn bởi oxy hóa thì dùng sơn đúng như bản gốc đắp lại đúng vị trí và cao độ rồi phủ, mài. Việc đánh bóng bằng tay với bụi tro, chu, họ lấy lá tranh khô đốt thành tro rồi bỏ vào một miếng vải nhỏ, mịn, buộc túm lại. Rồi họ nhẹ nhàng vỗ túi than trên mặt tranh để bụi than bung ra thật mịn trên chỗ cần đánh bóng. Sau đó dùng lòng bàn tay đã thấm nước xoa nhẹ và đều lên mặt tranh cho đến khi màu tranh tươi lên và bóng. Cuối cùng mọi người lắp ghép lại bức tranh vào đúng vị trí trên khung gỗ. Làm công việc này ròng rã hết 1 tháng. Nói thì đơn giản nhưng nếu người phục chế không hiểu, không giỏi thì sẽ làm hư hoặc làm lệch màu sắc, nét vẽ... của bức tranh.

Ngày 4/11/2013, Tổng Lãnh sự quán Pháp tại TPHCM chính thức giới thiệu Đám rước được phục chế thành công. Ông Fabrice Maurìes hứng khởi: “Họa sĩ Nguyễn Lâm đã thực hiện tốt công việc khó khăn vừa của một người thợ giỏi, vừa của một nghệ sĩ tài hoa”. Còn họa sĩ Nguyễn Lâm tâm sự: “Tôi rất hạnh phúc và hãnh diện được giao công trình này, sau một quá trình tìm kiếm cẩn trọng của người Pháp về một giải pháp tối ưu cho việc phục chế một tác phẩm sơn mài khổ lớn và đã được thực hiện từ năm 1939 bởi họa sĩ bậc thầy về sơn mài là Nguyễn Gia Trí. Đây là một tác phẩm sơn mài được thực hiện theo phương pháp truyền thống nên không có gì mới so với những tiến bộ của kỹ thuật vẽ tranh sơn mài của Việt Nam ngày nay. Nhưng tôi vẫn luôn có cảm giác hứng thú như được sống trong không khí sáng tác tại xưởng vẽ của danh họa thuở nào”.

Các tác phẩm sơn mài của danh họa Nguyễn Gia Trí hiện còn rất ít ở Việt Nam. Việc phục chế thành công bức Đám rước 74 tuổi này là một thành công lớn. Công việc này đã gây xôn xao trong làng mỹ thuật TPHCM suốt thời gian qua. Ông Fabrice Maurìes khẳng định: “Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với các bảo tàng ở TPHCM để thẩm định giá trị nghệ thuật bức tranh Đám rước của họa sĩ đại tài Nguyễn Gia Trí. Hy vọng công việc được tiến hành trước khi tôi kết thúc nhiệm kỳ”.




Chia sẻ bởi 
Sơn ta Việt Nam 
Thiết kế Website bởi Wlike.vn

Thứ Tư, 24 tháng 9, 2014

Một số tranh trong triển lãm nhóm 'Sơn ta'


Một số tranh trong triển lãm nhóm 'Sơn ta'


"Nhóm họa sĩ sơn ta" đã ổn định và phát triển, được công chúng nhìn nhận càng ngày thêm tích cực. Hôm nay, chúng ta cùng nhìn lại một số tác phẩm đẹp được đánh giá tốt trong những cuộc triển lãm của "nhóm họa sĩ sơn ta"




Chiều của Hà Anh Tuấn.






Sen - Nguyễn Nghĩa Dậu.





Bình minh trên cao nguyên đá - Phan Quang Tuấn.




Hoa sen - Nguyễn Hải Nam.






Vở rối nước - Công Quốc Thắng.




Hoang dã - Ngô Chính.





Phố Hà Nội - Lục Quốc Sỹ.



Thiếu nữ và hoa - Ngô Văn Dũng.




Cầu Thê Húc - Trần Thị Ngọc Anh.



Biển gọi em - Nguyễn Thanh Giang.




Mơ bay - Phạm Trà My.






Chia sẻ bởi
Sơn ta Việt Nam
Thiết kế Website bởi Wlike.vn