Thứ Bảy, 6 tháng 9, 2014

Số phận bức sơn mài đẹp nhất Việt Nam


Số phận bức sơn mài đẹp nhất Việt Nam

Tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam hiện trưng bày bức tranh “Dọc mùng” - bức tranh sơn mài đẹp nhất Việt Nam của họa sĩ tài danh Nguyễn Gia Trí. Tuy nhiên, ít ai biết được hành trình tìm lại bức tranh quý này và đưa về Hà Nội một cách an toàn, có công rất lớn của họa sĩ, nhà điêu khắc Nguyễn Thiện.

Lai lịch bức tranh quý

Một buổi chiều chớm hè, phóng viên Báo GĐ&XH Cuối tuần đã tìm tới ngôi nhà ông Nguyễn Thiện để tìm hiểu rõ hơn về bức tranh độc nhất Việt Nam. Trong gian nhà nhỏ gác 5, khu tập thể Thanh Xuân Bắc, Hà Nội, họa sĩ Nguyễn Thiện - giờ đã vào tuổi 80 bồi hồi nhớ lại: Sau giải phóng miền Nam 1975, khi đó tôi là Trưởng phòng Phục chế, trang trí và trưng bày của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam được ông Nguyễn Đỗ Cung, Viện trưởng gọi lên giao nhiệm vụ vào Nam tìm và đem bằng được bức tranh “Dọc mùng” của hoạ sĩ Nguyễn Gia Trí lúc đó đang được đặt tại dinh thự của Ngô Đình Diệm ở Đà Lạt về Hà Nội. Nhận nhiệm vụ, tôi không dám hỏi lại viện trưởng vì sao chỉ cử một mình tôi vào tìm đem bức tranh về, bởi tôi biết ông Nguyễn Đỗ Cung là một người rất cẩn trọng. Lặng lẽ gói ghém hành trang tôi lên đường với hy vọng hoàn thành nhiệm vụ - ông Thiện kể.


                                   Mặt trước của bức tranh "Dọc mùng"

Sau vài tuần vất vả đi đường, tôi cũng đến được Đà Lạt và thật may mắn công tác bảo vệ, giữ gìn các công trình kiến trúc của chế độ cũ được các cơ quan Trung ương cũng như địa phương làm khá tốt sau giải phóng. Hầu như các hiện vật là các bức tranh quý tại các dinh thự của quan lại chế độ cũ được bảo quản khá nguyên vẹn.

Bức tranh “Dọc mùng” của hoạ sĩ Nguyễn Gia Trí được tôi tìm thấy tại dinh thự cổ của một viên chủ đồn điền Pháp tại Đông Dương được Ngô Đình Diệm chọn làm nơi ở mỗi khi lui về nghỉ dưỡng tại Đà Lạt. Bức tranh sơn mài được tìm thấy ở trong một đường hầm ăn thẳng ra sân bay nơi Ngô Đình Diệm hay nghỉ ngơi vào những ngày cuối tuần. Khi đó tôi thật sự cảm phục sự tinh tế của ông Nguyễn Đỗ Cung và hiểu vì sao viện trưởng lại cử mình vào tìm bức tranh. Trước khi lên đường vào Nam, viện trưởng đã “bí mật” dặn dò tôi nơi để bức tranh, cách nhận biết để thuận lợi cho chuyến công tác. Cho đến giờ tôi cũng không lý giải được vì sao ông Nguyễn Đỗ Cung lại biết bức tranh nằm tại Đà Lạt chính xác đến như vậy?!

Một vấn đề khó khăn xuất hiện sau khi tìm được bức tranh. Đó là làm sao đưa được bức tranh trở về Hà Nội một cách an toàn và nguyên vẹn, bởi bức tranh được hoạ sĩ Nguyễn Gia Trí sáng tác năm 1939, trình bày theo kiểu “bình phong” khổ lớn gồm tám bức ghép có kích thước 160cmx400cm... Tôi đành điện ra Hà Nội báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo và Viện trưởng đã cử một đoàn công tác đặc biệt do hoạ sĩ Nguyễn Văn Y, một bậc thầy về gốm, khi đó là Phó Viện trưởng Viện Mỹ thuật Việt Nam dẫn theo tổ công tác gồm các hoạ sĩ Chu Khắc Thuật, Lê Kim, Lê Anh Tuấn, Nguyễn Bích, Hải Yến... là cán bộ của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam vào hỗ trợ tìm cách đưa bức tranh trở về.



                                       Mặt sau của bức tranh.


“Những năm sau giải phóng, giao thông đi lại thật gian khó, nhưng khi chúng tôi đề xuất với địa phương về sự quan trọng cần gìn giữ, việc đưa bức tranh ra Hà Nội phải được đảm bảo an toàn tuyệt đối, nên chính quyền địa phương đã tạo điều kiện rất thuận lợi. Và một “chuyến xe đặc biệt” đã vận chuyển “bức tranh sơn mài đẹp nhất Việt Nam” về Sài Gòn rồi sau đó ngược ra Bắc an toàn” - ông Thiện nhớ lại.

Tuyệt phẩm nghệ thuật độc nhất Việt Nam

Hoạ sĩ Nguyễn Thiện cho biết: Cố hoạ sĩ Nguyễn Gia Trí từng tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (1931- 1936), ông là một bậc thầy lớn về sơn mài, người đã có công đưa chất liệu và kỹ thuật sơn ta truyền thống (vốn trước đó chỉ dùng làm hàng mỹ nghệ) vào tác phẩm mỹ thuật và đẩy lên đến đỉnh cao thành những tuyệt phẩm nghệ thuật - từ đó ông đã được mệnh danh là “vua” sơn mài.

Ông là họa sĩ nổi tiếng đi đầu trong việc tạo ra một khuynh hướng nghệ thuật mới cho Việt Nam, với nét vẽ tinh tế và những tư tưởng mới về nghệ thuật sơn mài. Ông đã phối hợp lối in khắc với những phương thức sơn mài mới, đồng thời áp dụng các nguyên tắc cấu trúc tranh vẽ phương Tây, để tạo nên những bức họa hiện đại nhưng vẫn mang đậm tính dân tộc. Những tác phẩm của ông được lưu giữ trong Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tại Hà Nội và Bảo tàng Mỹ thuật tại TP Hồ Chí Minh, được chỉ định là bảo vật quốc gia, vì thế những tác phẩm của ông không được phép ra khỏi Việt Nam.



Một bức tranh sơn mài của cố họa sĩ Nguyễn Gia Trí được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.


Cùng với nhiều tác phẩm nổi tiếng như: Đình làng vào đám, Thiếu nữ bên cây phù dung, Hoàng hôn trên sông, Phong cảnh Móng Cái... Bức tranh Thiếu nữ trong vườn - Phong Cảnh (bức tranh có hai mặt - PV) hay còn gọi là “Dọc mùng” - sáng tác năm 1939 mà Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đem về từ Đà Lạt, được nhiều thế hệ trong giới mỹ thuật ngưỡng mộ và đánh giá là đẹp nhất Việt Nam.

Các tác phẩm sơn mài của hoạ sĩ Nguyễn Gia Trí được sáng tác với chất liệu chủ lực bằng sơn son, sơn then, vàng, bạc, vỏ trứng và sơn cánh gián. Bởi vậy, ông đã tạo cho bức “Dọc mùng” một vẻ đẹp lộng lẫy, có chiều sâu bí ẩn, đưa kỹ thuật sơn mài lên đỉnh cao, khẳng định tầm quan trọng của chất liệu hội hoạ này trong nền mỹ thuật Việt Nam, đồng thời, đánh dấu sự khởi đầu cho khuynh hướng sáng tác đưa sơn mài vào nghệ thuật của Nguyễn Gia Trí những năm sau này.

Cùng với những biến cố của lịch sử, những chuyến di chuyển suốt chiều dài đất nước, giờ đây bức “Dọc mùng” - bức tranh sơn mài đẹp nhất Việt Nam của cố hoạ sĩ Nguyễn Gia Trí được đặt trang trọng tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tại Hà Nội, đó cũng là một kỷ niệm không bao giờ phai nhòa trong cuộc đời hoạ sĩ, nhà điêu khắc Nguyễn Thiện - người có vinh dự đưa bức tranh của người hoạ sĩ tài danh trở về cùng mùa xuân chiến thắng của dân tộc.



Sơn ta Việt Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét