Thứ Bảy, 6 tháng 9, 2014

Gìn giữ, phát triển nghệ thuật sơn mài


Gìn giữ, phát triển nghệ thuật sơn mài

Trong khi sinh viên mỹ thuật và họa sỹ chuyên nghiệp một số nước mong muốn tìm hiểu, thực hành sáng tạo với chất liệu sơn mài thì không nhiều họa sỹ trẻ trong nước bám trụ chất liệu tạo hình độc đáo và đậm bản sắc Việt Nam này. Thực tế đó đòi hỏi Nhà nước phải có biện pháp khuyến khích các họa sỹ sáng tác bằng chất liệu này cũng như có kế hoạch đầu tư, nghiên cứu để giữ gìn và phát triển, quảng bá nghệ thuật sơn mài.

                 Vườn xuân Trung Nam Bắc Sơn mài của Nguyễn Gia Trí


Từ nghề sơn mài truyền thống, các thế hệ họa sỹ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đã sáng tạo, phát triển thành nghệ thuật tranh sơn mài, góp phần xây dựng một ngôn ngữ tạo hình mới, vừa hiện đại vừa riêng có của Việt Nam. Trong quá trình hơn 80 năm hình thành và phát triển, tranh sơn mài đã đi từ hình thức trang trí rồi lớn mạnh thành một chất liệu tạo hình độc lập, độc đáo, không hề thua kém các chất liệu đã có từ trước như: sơn dầu, thuốc nước... góp phần quan trọng làm phong phú thêm nền mỹ thuật đương đại Việt Nam và kho tàng mỹ thuật thế giới. Ngay từ khi ra đời cho đến trước Cách mạng tháng Tám (1945), tranh sơn mài của những họa sỹ tên tuổi như: Nguyễn Tư Nghiêm, Trần Văn Cẩn, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Sáng..., đã có mặt ở nhiều triển lãm quốc tế: năm 1931 ở Paris (Pháp), năm 1934 ở Milan (Italy), năm 1935 tại Bruxelles (Bỉ) và năm 1937 ở San Francisco (Mỹ). Đặc biệt, năm 1958 khi tham gia triển lãm tại Liên Xô, Trung Quốc, Tiệp Khắc, Hungary và các nước Đông Âu..., tranh sơn mài Việt Nam đã nhận được sự trân trọng, ngưỡng mộ của bạn bè quốc tế yêu nghệ thuật... Với những thành công tiếp nối trong các triển lãm mỹ thuật toàn quốc, triển lãm mỹ thuật các nước ASEAN, tranh sơn mài càng chứng tỏ sự độc đáo và thế mạnh của một chất liệu mới.

Trong giai đoạn hiện nay, cùng với sự bùng nổ về thông tin, nhu cầu cuộc sống con người trong xã hội hiện đại cũng thay đổi nhanh, mạnh mẽ hơn dẫn đến quan niệm và nhu cầu thẩm mỹ khác đi. Sự ảnh hưởng, giao thoa của các nền văn hóa trong thời kỳ hội nhập kinh tế, văn hóa với quốc tế cộng với sự phát triển chóng mặt của khoa học kỹ thuật khiến nghệ thuật cũng không thể không chịu ảnh hưởng, trong đó có nghệ thuật tranh sơn mài. Trước hết, đó là những đòi hỏi phải có sự thay đổi về đề tài, nội dung cũng như hình thức thể hiện. Những năm gần đây, một số tranh sơn mài đã được các họa sỹ phát triển về kích thước, số lượng nhưng chất lượng chưa thật sự song hành.

Đáng nói là đội ngũ sáng tác tranh sơn mài ngày càng sụt giảm do các họa sỹ trẻ khó bám trụ theo đuổi chất liệu tạo hình độc đáo, đậm bản sắc văn hóa nhưng đầy khó khăn, thử thách này. Theo Trưởng khoa Sư phạm Mỹ thuật, Đại học Mỹ thuật Việt Nam Chu Anh Phương, hiện số họa sỹ tên tuổi chuyên sáng tác tranh sơn mài trên toàn quốc chỉ đếm trên đầu ngón tay, trong khi đó tại các trường có chuyên ngành đào tạo sáng tác tranh sơn mài mỗi năm cũng chỉ cho ra lò khoảng hơn chục sinh viên. Quá nửa sinh viên trong số đó rơi rụng dần...

Là một trong số ít họa sỹ chuyên về tranh sơn mài, họa sỹ Trịnh Tuân nhìn nhận: để sáng tạo với chất liệu sơn mài, họa sỹ phải đầu tư khá nhiều thời gian, công sức và cả tiền bạc, thế nhưng khi tác phẩm hoàn thành không dễ bán hoặc không bán được giá cao. Vì vậy, việc các họa sỹ trẻ thường chọn chất liệu vừa dễ dàng thể hiện ý tưởng, vừa nhanh, hợp thị hiếu, thị trường cũng là điều dễ hiểu. Thêm vào đó, một trong những điều ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng tranh sơn mài là có những họa sỹ sáng tác theo đơn đặt hàng, do yêu cầu thời gian của hợp đồng quy định mà họ phải dùng chất liệu hiện đại thay thế chất liệu truyền thống, thậm chí bớt công đoạn, làm ẩu...

Trong khi đó, sinh viên nhiều nước trên thế giới, ở cả châu Âu và châu Á (Đức, Trung Quốc, Nhật Bản...) đều mong muốn tìm hiểu và thực hành sáng tạo về chất liệu tạo hình mà nước ta đã có thành công nhất định. Họa sỹ Chu Anh Phương cho biết, mới đây có đoàn họa sỹ Trung Quốc, khoảng vài chục người, trong đó có những chuyên gia am hiểu mỹ thuật Việt Nam, đã sang tìm hiểu về nghệ thuật tranh sơn mài Việt Nam. Được biết, Trung Quốc đã xây dựng chiến lược về phát triển nghệ thuật tranh sơn mài và tiến hành thu mua sơn nguyên liệu tại các vùng sản xuất sơn của Việt Nam. Việc được các họa sỹ nước ngoài quan tâm tìm hiểu, khẳng định chất liệu tranh sơn mài được mỹ thuật thế giới trân trọng, ngưỡng mộ, nhưng đây cũng là thách thức lớn đối với mỹ thuật trong nước nói chung và nghệ thuật sơn mài nói riêng trong việc giữ gìn và phát triển.

Họa sỹ Chu Anh Phương cho rằng, để gìn giữ, phát huy nghệ thuật tranh sơn mài cần có những nghiên cứu về chương trình đào tạo, quá trình phát triển và hình thành tư duy của người sáng tác, đặc biệt là trong các trung tâm đào tạo họa sỹ vẽ tranh sơn mài tại các trường mỹ thuật, các khoa chuyên về sơn mài; xây dựng, khôi phục các làng nghề trồng sơn, dát quỳ..., tạo vùng sản xuất nguyên liệu, chất liệu truyền thống cho tranh sơn mài; tổ chức thường xuyên các triển lãm tranh sơn mài và tạo điều kiện đưa tranh sơn mài tham gia các triển lãm ở ngoài nước. Quan trọng hơn, cần sớm có kế hoạch đầu tư, nghiên cứu, xây dựng đề án bảo tồn, phát triển nghệ thuật tranh sơn mài, tạo mô hình khép kín trong mối tương quan chặt chẽ giữa làng nghề sản xuất chất liệu sơn mài với họa sỹ sáng tác và thị trường. Nếu không thực hiện sớm những giải pháp đồng bộ, e rằng chỉ vài ba chục năm nữa, tranh sơn mài sẽ không còn là nghệ thuật độc đáo và thế mạnh tạo hình của riêng Việt Nam.



Sơn ta Việt Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét