Chủ Nhật, 28 tháng 9, 2014

Vẻ đẹp riêng của tranh sơn ta

Vẻ đẹp riêng của tranh sơn ta


Mười năm "đóng cửa", chuyên tâm nghiên cứu, sáng tác, tìm tòi chất liệu sơn ta truyền thống để cho ra những bức tranh mang vẻ đẹp riêng, ở tuổi 80, họa sĩ Phùng Dzi Thuần mới công bố những sáng tác của mình trong triển lãm tại tầng 2, Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền, Hà Nội. Qua triển lãm này, ông muốn công chúng hiểu được vẻ đẹp đích thực của tranh từ chất liệu sơn ta và trân trọng chúng. 

Nhiều người tò mò khi nghe họa sĩ tuyên bố "đây là triển lãm đặc biệt", có lẽ bởi hiếm người Việt Nam theo đuổi chất sơn ta trong sáng tác, dù đó là chất liệu thuần Việt. Theo các nhà phê bình mỹ thuật đến xem triển lãm, quả đúng là hiện không có nhiều họa sĩ chuyên sử dụng chất liệu sơn ta trong sáng tác tranh sơn mài. Họ thường dùng sơn Nhật hoặc sơn polime. Lý do đơn giản, sơn ta là một chất liệu khó chiều, thậm chí là rất đỏng đảnh, chỉ thích hợp với khí hậu có độ ẩm cao như ở Việt Nam. Tranh sơn ta khô rất chậm vì có hàm lượng keo cao, vì vậy, chỉ cần họa sĩ sơ suất, không chú ý đến thời tiết, không ủ đúng lúc thì tranh sẽ bị hỏng, nhòe, không đạt hiệu quả. 


Một bức tranh sơn ta của họa sỹ Phùng Dzi Thuần.

Ở Việt Nam trước đây, tranh sơn ta được sử dụng nhiều trong nghệ thuật sơn mài cũng bởi màng sơn mềm, họa sĩ có thể mài, đánh giấy ráp để lộ ra những lớp màu sơn bên trong rất hiệu quả, hoặc dùng để gắn vỏ trai, vỏ trứng, khảm vàng…, theo mục đích sáng tác. Họa sĩ Phùng Dzi Thuần khẳng định rằng, không phải lúc nào ông cũng thành công với tranh sơn ta. Mất nhiều năm trời, có khi vẽ xong, chỉ một đêm nữa là tranh khô rồi, vậy mà gặp trời hanh, không kịp ủ, thế là phải bỏ đi. Họa sĩ nói, tất cả tranh của ông đều sử dụng hoàn toàn sơn ta được lấy từ cây sơn trồng tại Phú Thọ. Sở dĩ Phùng Dzi Thuần bị chất liệu này mê hoặc là bởi tranh từ chúng có vẻ trầm ấm, kín đáo, mang màu sắc truyền thống rõ rệt. Có thể tranh sơn Nhật hoặc tranh sơn polime có màu sắc rực rỡ hơn, dễ khô và không phải chăm sóc nhiều, nhưng với những đề tài truyền thống, đậm tính dân tộc thì chúng thường không được các họa sĩ tin dùng, đơn giản là bởi dễ bị lòe loẹt quá.

Nếu không bàn nhiều đến chất liệu, chỉ qua xem tranh, phòng trưng bày của họa sĩ Phùng Dzi Thuần quả là ấn tượng. Là họa sĩ gốc Hà Nội, đề tài ông chọn luôn mang dáng dấp của phố phường đất Kinh kỳ với nét truyền thống rõ rệt. Tranh hầu hết là khổ lớn, đề tài chính là cảnh sắc Hà Nội, chân dung nhân vật và vẻ đẹp thiếu nữ. Những bức "Ô Quan Chưởng xưa", "Chợ Hàng Bè", "Hương đồng gió nội", "Phố cổ"… giữ được màu trầm ấm, hoài cổ, dễ khiến người xem xúc động. Đến xem tranh của Phùng Dzi Thuần, người ta còn được gặp những nhân vật thú vị: Bà Huyện Thanh Quan, thi sĩ Hồ Xuân Hương, nhạc sĩ Văn Cao, Trịnh Công Sơn, Thị Màu… hay những hình ảnh "trích" từ tác phẩm "Mùa lá rụng", "Một cõi đi về"… Chiếm nhiều nhất và cũng đặc sắc nhất là tranh về phụ nữ và tình yêu. Vẻ đẹp của người phụ nữ trong tranh của Phùng Dzi Thuần có sức mê hoặc, gợi cảm nhưng không phô bày, chất chứa tâm trạng và suy nghĩ. Điều đó hiển hiện ở "Tắm đêm trăng", "Cơn mưa chiều", "Khi giận, khi thương", "Tình họa sĩ", "Thiếu nữ với mùa thu", "Tình trong sóng gió"…

Theo họa sĩ Phùng Dzi Thuần, không dễ phân biệt được tranh sơn ta và tranh sử dụng chất liệu sơn khác. Ông muốn công chúng thấy được vẻ đẹp riêng của tranh sơn ta, yêu thích và cùng gìn giữ. Triển lãm này chỉ trưng bày khoảng 1/3 số tranh mà họa sĩ sáng tác trong 10 năm trở lại đây. Ông có cả bức tranh rộng đến chục mét vuông, treo kín một bức tường lớn, đó mới là kỳ tích trong quá trình chinh phục chất liệu nổi tiếng khó chiều này.


Chia sẻ bởi 
Sơn ta Việt Nam 
Thiết kế Website bởi Wlike.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét