Thứ Bảy, 13 tháng 9, 2014

Thế giới huyền ảo của tranh sơn ta (p2)


Thế giới huyền ảo của tranh sơn ta (p2)


Họ là những ai?

Trong số 29 họa sĩ của nhóm, có lẽ người lớn tuổi nhất là họa sĩ Ngô Chính (sinh năm 1940), một số họa sĩ trẻ ở độ tuổi ba mươi như Chu Viết Cường, Hà Anh Tuấn...; còn lại đa số đã ở tuổi 40. Hầu hết trong số họ đều đã đạt thành tích và giải thưởng mỹ thuật của quốc gia hay thành phố. Nhóm họa sĩ Sơn ta này tuy mới được thành lập 2 năm nay nhưng có không ít họa sĩ trước đó đã từng theo đuổi sự nghiệp nghệ thuật sơn mài khá bền bỉ. Có thể nói, họ là những người vẽ sơn mài chuyên nghiệp ngay từ khi bước vào nghề. Nổi lên trong số này có những cái tên như: Trần Phi Trường (sinh năm 1953), Trần Tuấn Long (sinh năm 1967), Nguyễn Trường Linh (sinh năm 1971) và Hà Anh Tuấn (sinh năm 1980)...Điểm qua mỗi người của mỗi thời đoạn mới thấy họ thành danh và đều là hội viên của Hội Mỹ thuật Việt Nam và trưởng thành rất sớm với nghệ thuật tranh sơn mài. Mỗi người một vẻ và có khuynh hướng khai thác đề tài tuy đậm chất hiện thực, nhưng vẫn lấp lánh chất vàng son một thuở mà ông cha ta đã để lại. Chất ảo đan xen làm chất hiện thực càng lung linh lãng mạn.

Lần này, vượt ra khỏi những Nhịp điệu công nghiệp, hay Xương rồng biển hoặc Gặp gỡ... của mình, họa sĩ Trần Phi Trường bày bức Thiên Thần với sự khám phá hết mình qua khuynh hướng trừu tượng, độc đáo. Mọi chất liệu được huy động với hiệu quả bất ngờ, trong các mảng son, then, trứng ốc sinh động với một thế giới của đàn cá đang bơi lội. Bên cạnh đó là Vó đêm của Trần Tuấn Long lại có một sự lung linh khác. Những quầng sáng tạo nên ảo giác đến mê hoặc trong một hiện thực tưởng như trần trụi. Bức tranh làm cảm động lòng người với vẻ đẹp thăm thẳm của những ráng vàng trong đêm đen.

Nhưng có lẽ toát lên vẻ đẹp sang trọng và thể hiện được hoàn thiện mọi thế mạnh của tranh sơn mài thì họa sĩ Nguyễn Trường Linh có ưu điểm nổi bật trong phòng tranh. Anh là người chuyên tâm một đề tài là Hà Nội với nhiều tác phẩm tiêu biểu như: Phố gầm cầu, Hà Nội năm 1972 hay Thành phố Rồng bay... Bên cạnh những đề tài hiện thực, anh còn có không ít tác phẩm đậm chất ấn tượng và hoành tráng như Trần gian và Vũ điệu sống... Trong triển lãm này, anh bày Đêm hội Long Trì với tất cả những phẩm chất mà anh đã có. Một hiện thực bay bổng trong một bố cục ấn tượng cùng những chi tiết ẩn sâu và bừng sáng chất sử thi. Một tác phẩm đậm chất Hà thành, hào hoa thanh lịch.

Lớp kế tiếp Nguyễn Trường Linh có thể nói Hà Anh Tuấn lại có cách sơn ta riêng của mình. Hà Anh Tuấn có tư chất của một nhà thơ đi một vệt cảm xúc với những Trưa vàng, Lối về hay Quê ngoại hoặc có khi là Ngõ quê, sự Bình yên và Phong cảnh vùng cao... Lần này, chất thơ ấy được trưng lên qua Ráng chiều. Thế mạnh của Hà Anh Tuấn là khai thác chất liệu “kim” như vàng, bạc tạo nên cái hồn cốt của ánh sáng giàu tâm cảm của một thi nhân.

Bên cạnh các anh chuyên một đời với sơn mài thì các họa sĩ khác cũng không kém về tài năng thể hiện qua chất liệu này. Đó là sự độc đáo qua tác phẩm Hoang dã của Ngô Chính; Mơ bay của Phạm Trà My; Vở rối nước của Công Quốc Thắng; hay là bộ tranh Sen mang tên Nguyễn Nghĩa Dậu. Cùng với đó là Biển gọi em của Nguyễn Thanh Giang, Bình minh trên cao nguyên đá Đồng Văn của Phạm Quang Tuấn và Phố Hà Nội của Lục Quốc Sỹ. Ấy là chưa kể đến Lên đồng của Nguyễn Trọng Toàn, Nhịp nắng của Nguyễn Văn Nghĩa hay Tình yêu của Vũ Tuấn Dũng và kể cả Bán thân của Vũ Đình Bình... đều đem lại nét tươi mới cho phòng tranh. Mỗi họa sĩ tìm ra được miền cảm xúc của mình qua mạch nguồn mỹ cảm Sơn ta. Điều đó nói lên sự thành công của triển lãm lần này.

Niềm hy vọng có thật

Phòng tranh Sơn ta lần này khá dồi dào về đề tài, kèm theo đó là sự ứng dụng thêm chất liệu làm phong phú cho bảng màu tranh sơn mài mang tính truyền thống bấy lâu nay. Qua đó, ta thấy sức thể hiện đa dạng của tranh sơn ta nhưng vẫn bảo tồn được những vẻ đẹp huy hoàng của một thời đã ghi dấu hàng trăm năm của nghề sơn ta mà ông cha ta đã để lại.

Mặc cho những khó khăn trước mắt và nhu cầu của thị trường tranh cũng rơi vào thời kỳ khủng hoảng với những mục đích giải trí; nhóm họa sĩ Sơn ta đã cùng nhau dấn thân, gìn giữ và phát huy dòng tranh sơn mài truyền thống, tiến tới đỉnh cao nghệ thuật hội họa. Đó là sự thử thách đầy cam go trước những nhu cầu của mưu sinh cơm áo, gạo tiền. Tôi tin đội ngũ của nhóm họa sĩ Sơn ta ngày một đông hơn. Nhiều tài năng sẽ hội tụ bởi họ là những họa sĩ có mục tiêu cao cả và đáng hy vọng cho việc gây dựng một nền nghệ thuật tranh Sơn ta sánh ngang với các nền hội họa thế giới với ý nghĩa sâu sắc: đó là dòng tranh độc đáo của riêng Việt Nam.

Vương Tâm


Sơn ta Việt Nam
Sontavietnam.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét