Hành trình về với nghệ thuật sơn mài xứ Việt
Michael Clark là nhà văn, nhà thơ và từng có khá nhiều tác phẩm nổi tiếng. Ông sinh ra ở Sinclair (Mỹ), lấy vợ gốc Việt. Ông là người đam mê các tác phẩm nghệ thuật. Trong thời gian ở Việt Nam nói chung và 27 ngày ở Hà Nội nói riêng,, ông đã có cuộc hành trình tìm hiểu về nghệ thuật tranh sơn mài, một dòng tranh độc đáo ở Việt Nam trong chuyến đi đầu tiền kéo dài gần 1 tháng ở đất Tràng An. Ông đã ghi lại quá trình tìm hiểu, qua đó nói lên sự cảm nhận của bản thân mình về nghệ thuật tranh sơn mài Việt Nam nói riêng và văn hoá nói chung…
Tôi và vợ tôi đều là hoạ sĩ. Các phòng tranh luôn là ưu tiên trong danh sách mỗi địa danh chúng tôi đến. Vì vậy, khi có mặt lần đầu tiên ở Hà Nội, ngay ngày thứ hai, chúng tôi đã đi thăm các phòng tranh. Hầu hết các phòng tranh đều nằm ở khu cổ khó tìm. Có khoảng 2, 3 phòng tranh do các hoạ sĩ trong nước vẽ khá ấn tượng, nhưng cũng khá đắt. Một bức tranh khổ lớn do hoạ sĩ nổi tiếng của Hà Nội vé giá khoảng 3.500 USD. Rõ ràng là người dân địa phương không thể mua nó, nhất là khi mức thu nhập bình quân của người Hà Nội chỉ khoảng 200 USD/tháng…
Tôi tìm thấy những bức hoạ rất thú vị ở Hà Nội được làm theo nghệ thuật sơn mài, một phong cách rất độc đáo của người Việt Nam. Chúng tôi xin tên của những hoạ sĩ mà tác phẩm của họ gây ấn tượng vào sổ tay. Chúng tôi dự định mang một vài tác phẩm về Mỹ. Hoa Lan, vợ tôi, quyết định muốn tìm hiểu quy trình làm tranh sơn mài trong thời gian chúng tôi ở Hà Nội. Chúng tôi có quen với một người bạn ở Hà Nội từ năm 1996 tên là Hùng. Anh ấy, khoảng 30, hiện sống bằng nghề tạo rối nước cho một trong những đoàn diễn rối nước. Chúng tôi thăm gia đình anh vào ngày thứ 3 của chuyến đi, ăn tối, trò chuyện suốt cả buổi. Anh ấy đã lấy vợ và sắp có con. Mẹ anh ấy là một người phụ nữ thực sự của gia đình. Bà phúc hậu, mạnh khoẻ, giỏi xem tử vi và rất hài hước. Hoa Lan đề cập đến ý định tìm hiểu về nghệ thuật tranh sơn mài. Chỉ trong vòng 1 tuần, Hùng đã liên hệ được với một người bạn hoạ sĩ chuyên mảng tranh sơn mài, nhà ở khu vực Hồ Tây, để chúng tôi có dịp tìm hiểu về kỹ thuật này.
Hân - Bậc thầy về sơn mài
Hùng gặp chúng tôi tại khách sạn lúc 1h chiều. Chúng tôi gọi taxi đến Hồ Tây. Về giao thông, Hà Nội khá hơn Sài Gòn. Hoa Lan nói chuyện với Hùng bằng tiếng Việt. Hoa Lan chỉ cho tôi một dãy nhà hàng phía bên tay phải độc một loại thực phẩm là thịt chó, một đặc sản ở miền Bắc nhưng lại khó tìm ở miền Nam. Nhiều người miền Nam cho rằng ăn thịt chó là không văn minh. Nhưng tôi không có ý kiến gì về quan điểm đó. Nếu xét những địa điểm tôi đã đi qua ở Hà Nội, Hồ Tây là nơi đẹp nhất. Nó nằm ở phía Bắc của Hà Nội, nhưng lại ở phía tây của sông Hồng chạy bên rìa phía Tây của thành phố. Có hai truyền thuyết xoay quanh sự xuất hiện của Hồ Tây, nơi còn được gọi là Hồ Sương và Hồ Lớn. Truyền thuyết dân gian cho rằng Hồ Tây được hình thành khi Vua Rồng làm ngập nước để chôn vùi con Hồ Ly chín đuôi. Câu chuyện thứ hai lại kể rằng Hồ Tây có từ thế kỷ 11. Không Lộ Thiền Sư giúp đỡ Hoàng đế Trung Hoa, người sau đó trao thưởng cho ông bằng một số lượng đồng lớn để ông đúc một cái chuông lớn. Khi Khổng Lộ đánh chuông, tiếng vang của nó vọng sang tận Trung Quốc, nơi con Nghé Vàng, nhớ tiếng mẹ gọi, chạy về tận Việt Nam để tìm. Bụng nó to và thân hình nó lớn đến nỗi khi nó dậm chân ở khu vực Hồ Tây, khu vực này biến thành hồ. Trong thực tế, Hồ Tây được hình thành nhờ dòng chảy của sông Hồng. Có rất nhiều toà nhà tráng lệ nằm bên rìa Hồ Tây , nhưng một số đã bị phá trong cuộc chiến phong kiến liên miên ảnh hưởng đến Việt Nam hàng thế kỷ. Ngày nay, những toà biệt thự đẹp lung linh lại đang bao phủ quanh thành phố. Người nước ngoài sống trong khu bán đảo yên tĩnh ở Hồ Tây, một trong những nơi rất ít mà người ta còn tìm thấy sự tĩnh lặng trong một thành phố đang thay đổi một cách ồn ào. Cũng có cả những vila dành riêng cho các quan chức ngoại giao và kinh doanh nước ngoài đến làm việc tại Việt Nam…
Một bức tranh sơn mài tại galarry của vợ chồng Michael.
Chuyến đi khá dài. Cuối cùng chúng tôi cũng dừng lại ở lề đường. Phía dưới con đê nhỏ khoảng dăm bước chân là một cánh cửa vườn. Tiếng chó sủa vang khi chúng tôi bước chân vào. Một người đàn ông nhỏ bé, ngái ngủ, bước ra mở cửa. Thì ra đó là người làm vườn. Sau đó là Hân, một người đàn ông khoảng trên 30 tuổi, gầy, đầy nghị lực, đeo kính, với đôi gò má cao, đôi mắt lấp lánh và nụ cười ấm áp. Anh ấy đón chúng tôi vào nhà, để cửa mở. Chúng tôi ra vườn đi dạo. Sân trước treo rất nhiều lan và dưới là cây cảnh rồi mới đến mảnh vườn lớn…
Hân tốt nghiệp trường nghệ thuật ở Hà Nội. Ra trường, anh ấy lên một ngôi chùa trên núi sống với nhà sư. Anh đã từng từ bỏ thế giới thực, nghiên cứu chữ Nôm, để có thể đọc được những bản khắc chữ cổ đầy tâm linh cùng các nhà sư. Anh học cách sống trong rừng không cần thực phẩm, ăn những thứ loài vật ăn, sông sót bằng cách xem các tạo vật khác trong rừng sống bằng cách nào. Anh ở đó 2 năm, sauđó quay về cuộc sống thực. Anh bắt đầu vẽ lại. Anh sống với gia đình ở nông thôn cách Hà Nội vài giờ đi xe nhưng không được thân thiện lắm. Vì vậy, một người bạn, cũng là họa sĩ, sở hữu một nông trại nằm ngay bên bờ Hồ Tây, nhờ anh trông coi nhà cửa giúp trong thời gian anh bạn sống ở Sài Gòn…
Rất nhiều tác phẩm tranh sơn mài của Hân đều treo trên tường. Anh ấy nói cho chúng tôi nghe về tranh sơn mài. Khi tôi ngỏ ý trả tiền bồi dưỡng công hướng dẫn, anh ấy nhìn tôi như thể tôi đang nói đùa. Anh ấy muốn chúng tôi bắt đầu ngay. Anh ấy có một bảng gỗ dán (vóc) sẵn sàng cho chúng tôi. Vì thế, tôi nhanh chóng vẽ lên tấm bảng bằng một chiếc bút sáp màu vàng. Sơn mài là một loại nhựa thông được chiết xuất từ cây sơn. Nó có màu trắng kem khi ở dạng thô, nhưng sau đó nó biến thành màu đen hoặc nâu tối khi được pha với nhựa thông trong một cái hũ bằng sắt và để ngâm khoảng 40 tiếng. Công đoạn làm sơn mài được chia làm 3 giai đoạn. Lớp dưới cùng là phần bó hom vóc, sau đó là sơn then. Phần thứ 3, cũng là phần quan trọng nhất, là mài và đánh bóng (tạo màu cánh dán). Phần mài màu tạo nét tinh tế được sử dụng trong nghệ thuật làm tranh sơn mài. Sản phẩm sơn mài (thông thường là gỗ dán cho các sản phẩm đồ gỗ trong gia đình và đồ thờ) được dùng thường hãm màu, sau đó được phủ lên tới 10 lớp áo sơn ta. Mỗi lớp để phơi khô cả tuần trong môi trường ẩm, sau đó được mài bằng đá bọt và mai mực. Lớp áo thứ 11 là chất sơn đặc biệt, được mài với bụi than và nước vôi. Phần thiết kế sau đó mới được vẽ lên gỗ và lớp vẽ của gỗ mới được coi là bắt đầu.
Nghệ thuật sơn mài từ Trung Quốc vào Việt Nam từ thế kỷ 15. Nó được sử dụng giống như một hợp chất bịt kín không thấm nước vào thời điểm đó. Thời kỳ những năm 1930, trường mỹ thuật Hà Nội đã mời một số chuyên gia về sơn mài của Nhật Bản dạy cho các sinh viên về kỹ thuật và phong cách Nhật Bản. Điều này đã dẫn dắt khác nhiều hoạ sĩ đến với tranh sơn mài…
Hân lấy một bát sơn, chỉ cho chúng tôi gam màu hổ phách. Nó rất dính, giống như hắc ín vậy. Anh ấy dùng một con dao mỏng phết sơn ta ra khỏi bát. “Anh muốn sơn màu nào cho phần vẽ của mình?” Anh hỏi. “Màu đỏ” Tôi trả lời. Anh mở túi lấy chất tạo màu đỏ (màu son). Có 4 sắc thái đỏ khác nhau, Hân giải thích. Anh mở những hộp sơn khác nhau và hỏi tôi thích tông nào. Hân nói: “Hay nhìn kỹ loại sơn mài nào đi với màu nào. Màu đỏ sáng sẽ tối dần khi trộn với sơn ta. Mọi thứ đều tối đi khi mài”. Tôi ngạc nhiên: “Nếu mọi thứ đều tối đi khi mài, làm thế nào anh có được tông sáng?”Anh giải thích màu trắng có thể tạo được bằng cách sử dụng vỏ trứng hoặc vỏ trai. Màu trắng sáng được tạo thành từ lá bạc hoặc lá bạc vụn. Tông vàng được tạo thành bằng lá vàng. Vàng bạc thường được dùng trong tranh sơn mài ở lớp dưới giúp tăng tông sáng cho tranh.Và tôi thấy rằng kiến thức về sơn mài đang được nạp dần vào bộ não mình qua những bài học như vậy.
Chúng tôi miệt mài trên bức tranh nhỏ về một gương mặt trang trí, mà sau đó tôi đặt cho bức tranh cái tên “Công chúa” suốt cả ngày. Hân trộn màu, tôi vẽ, Hoa Lan vừa xem, vừa dịch và chụp ảnh toàn bộ quá trình. Đúng là không hề dễ dàng. Sơn ta ăn da và mùi của nó hăng lắm. Thi thoảng, Hoa Lan phải ra ngoài cho thoáng khí. Hân bật 2 quạt một lúc để thổi bay đi mùi hăng của sơn ta và chúng tôi phải rửa dụng cụ liên tục bằng dầu hỏa. Hân cho biết một số người bị dị ứng sơn ta. Da của họ bị ăn, sưng phồng và chảy máu. Cuối cùng thì tôi cũng phải chạy ra ngoài trời hít chút khí lành vì tôi cảm thấy đau đầu quá. Vợ chồng tôi ra ngoài bờ ao ngồi hóng gió. Không khí trong lành và yên tĩnh không như khách sạn nơi chúng tôi ở. Chúng tôi cảm thấy mình như đang ở nhà.
Chúng tôi cố hoàn tất bức tranh đầu tiên. Khi tất cả các màu hoàn tất, chúng tôi bọc xô vào phần vẽ để bước vào công đoạn bó hom vóc. Sau đó chúng tôi mất 1 ngày để cho bức tranh khô dần trong chiếu. Bước tiếp theo, khi tranh khô, là phủ cát và đánh bóng. Hân đưa cho tôi một vóc khác. Có vẻ Hân khoái kiểu làm việc phối hợp như vậy. Tôi phác thảo bức tranh thứ hai. Han nói chúng tôi có thể quay lại đây hôm sau để tiếp tục công việc. Chúng tôi quay lại căn nhà của Hân 5 ngày liên tiếp sau đó. Tôi cũng hoàn thành được 5 bức vẽ sơn mài của mình ở Hà Nội. Hoa Lan và tôi mua sơn ta, chổi và màu mang về nước. Chúng tôi cũng có số fax của Hân. Anh ấy sẽ gửi những thứ chúng tôi cần qua đường biển. Chỉ cần chúng tôi cho biết mình thiếu gì là anh ấy sẽ gửi ngay.
Chúng tôi rời Hà Nội mà cảm thấy mình đang rời khỏi căn nhà thứ hai. Chúng tôi dự định có 10 ngày ở Hà Thành. Nhưng thực tế chúng tôi đã ở đây 27 ngày. Chúng tôi bay vào Sài Gòn, thăm chị vợ khoảng 3 ngày rồi trở về Mỹ. Chúng tôi mang về nhà rất nhiều kiến thức và tình bạn. Chúng tôi biết mình sẽ quay trở lại Việt Nam nhiều lần nữa. Cuộc chiến ở Việt Nam giờ đã lùi vào dĩ vãng. Tất cả những gì mà Việt Nam (đặc biệt là Bắc Việt Nam) và người Mỹ giờ đây là tiềm năng tình bạn và sự chia sẻ kiến thức. Nếu nó có thể xảy ra giữa các cá nhân, thì cũng có thể tiến tới với cả quốc gia.
TUYẾT HOA
(Biên dịch)
Sơn ta Việt Nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét