Thứ Sáu, 5 tháng 9, 2014

Bình Dương làng nghề truyền thống Sơn Mài


Bình Dương làng nghề truyền thống Sơn Mài

 Sơn mài được coi là một trong các chất liệu hội họa ở Việt Nam. Đây là sự tìm tòi và phát triển kỹ thuật của nghề sơn (nghề sơn ta) thủ công truyền thống của Việt Nam thành kỹ thuật sơn mài độc đáo có một không hai. Và làng nghề truyền thống là sơn mài Bình Dương.


Mang đậm bản sắc dân tộc, làng nghề truyền thống sơn mài luôn cố gắng giữ gìn bản sắc dân tộc, giúp trong gia đình bạn hấp dẫn hơn và đẹp hơn với những bức tranh sơn mài nghệ thuật.
Bình Dương, trong tiến trình phát triển vùng đất mang đậm nét văn hoá làng nghề thủ công truyền thống. Sơn mài là một trong những làng nghề nổi tiếng, đã định vị trên địa bàn hơn 300 năm. Từ lối chế tác cha truyền con nối, các lớp nghệ nhân luôn dày công gởi cả tâm huyết để dần hoàn thiện thành tác phẩm sơn mài nghệ thuật lừng danh, với vẽ đẹp lộng lẫy và sâu lắng.

Làng Tương Bình Hiệp – chiếc nôi nghề sơn mài Bình Dương Các nghề thủ công truyền thống sơn mài, chạm khắc, đồ mộc đã có từ rất sớm và phát triển mạnh ở đất Thủ – Bình Dương, vùng được định hình và phát triển nghề chủ yếu ở thị xã Thủ Dầu Một (Chánh Nghĩa, Phú Cường, Tương Bình Hiệp, Tân An, Định Hòa). Chiếc nôi nghề sơn mài Bình Dương là làng Tương Bình Hiệp.

Sơn mài Bình Dương nổi tiếng được khách hàng ưa chuộng, bởi từ nguyên liệu gỗ đến khâu cuối cùng của sản phẩm phải trải qua quá trình 25 công đoạn, mỗi công đoạn đòi hỏi một nghệ thuật riêng tỷ mỉ và công phu. Một qui trình sơn mỗi sản phẩm phải mất từ 3 đến 6 tháng mới đảm bảo yêu cầu chất lượng.

Năm 1975 đến nay, sau nhiều biến đổi, ngành sơn mài ổn định và phát triển. Sơn mài cổ điển vẫn được ưa chuộng, thêm vào đó hàng loạt các mẫu mã hiện đại, phù hợp với yêu cầu cơ chế thị hiếu mới.


Trải qua nhiều thế hệ, sơn mài trên vùng đất Bình Dương vẫn giữ được nét đẹp truyền thống, đó là sự tinh xảo, nhẹ nhàng thanh thoát, đậm đà tính cách Á đông. Ngày nay, các cơ sở tại làng sơn mài Tương Bình Hiệp có khả năng sản xuất khá đa dạng các sản phẩm sơn mài, từ những bức tranh nghệ thuật đến các loại tủ, bàn ghế… Bên cạnh các loại tranh sơn mài, còn có các sản phẩm sơn mài để sử dụng và trang trí như: bình, lọ, dĩa, vòng tay, hộp… Sản phẩm sơn mài nói chung có rất nhiều phương pháp thể hiện như: sơn mài sơn lộng, sơn mài vẽ mỏng, sơn mài khoét trũng, sơn mài đắp nổi, sơn mài cẩn trứng, sơn mài cẩn xà cừ, cẩn ốc… sự đa dạng về sản phẩm, về sự kết hợp sơn mài với các chất liệu khác như gốm, tre... có nhiều xưởng sản xuất, xuất khẩu hàng sơn mài như các xí nghiệp Thành Lễ, Đồng Tâm, Hùng Hương…



Với bề dày truyền thống và lịch sử phát triển vùng đất hơn 300 năm, nghề sơn mài trên đất Bình Dương vẫn giữ vững đậm đà bản sắc dân tộc. Ngày nay, sự phát triển về khoa học công nghệ, nghề sơn mài với sự kế thừa truyền thống kết hợp với hiện đại đã góp phần tạo nên tính đa dạng mẫu mã, phong phú về chất liệu… Sơn mài đã và đang là nguồn cảm hứng thẫm mỹ của các thế hệ nghệ nhân tài hoa, là tiếng nói nghệ thuật mang tính nhân bản cho bạn bè trong nước và thế giới hiểu thêm về bản sắc độc đáo của văn hóa dân gian Việt Nam.

Làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp không những là niềm tự hào của bao thế hệ nơi đây, mà còn là một nét văn hóa truyền thống đặc trưng của vùng đất đáng trân trọng. Được sự quan tâm của chính quyền địa phương, các cấp các ngành, cùng với sự đồng lòng của nghệ nhân, người thợ, doanh nghiệp yêu nghề. Ngày 29/8/2006, Hiệp hội Sơn mài – Điêu khắc Bình Dương được thành lập tại Quyết định số: 3838/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương. Hiệp hội sẽ là cầu nối quan trọng, góp phần gìn giữ và phát huy thế mạnh nghề truyền thống sơn mài ở Bình Dương.

"Danh từ sơn mài (laque) là một danh từ mới đặt sau này để chỉ một kỹ thuật trước kia gọi là Sơn Ta nhưng đã biến hoá hẳn do nghệ thuật mài sơn. Kỹ thuật Sơn Ta cũng tương tự như sơn Tàu, có từ đời nhà Hán. Sử dụng cùng với Sơn Ta một nguyên liệu là sơn sống. Chất sơn sống này, ở nước ta, miền Phú Thọ sản xuất rất nhiều và vẫn bán sang Tàu cùng Nhật. Từ năm 1931 trở về trước, công dụng Sơn Ta cũng như Sơn Tàu ở Tàu và Sơn Nhật ở Nhật là phủ lên đồ vật làm nó tôn vẻ lộng lẫy, lên những vật dùng thường như cái khay, cái tráp, đôi guốc, đồ thờ như hương án dài, bát đĩa, đồ trang trí như câu đối, hoành phi, bình phong... màu sắc đại để có: son, đen, nâu, cánh gián, vàng, bạc theo cổ truyền. Nói rõ ra, Sơn Ta chỉ có công dụng trang trí, địa vị là ở trong trang trí. Mặc dầu ở Nhật, nghệ thuật sơn có tế nhị hơn cả, nhưng chưa một nước nào nghĩ đến tìm tòi, sử dụng nguyên liệu sơn một cách khác cổ truyền, phiêu lưu trong nghệ thuật sơn để tìm một con đường nào tăng phẩm giá mỹ thuật sơn bằng cách phát minh thêm khả năng của nó.

Song, từ 1931 trở đi, nhờ sự tìm tòi thiết tha của một số họa sĩ có tài bỏ sơn dầu để chuyển hẳn về sơn mài, Sơn Ta đã vượt được ra ngoài nơi cầm hãm, ngang nhiên trên đường bao la của hội họa, cứ phương trời xa lạ mà tiến. Từ cái tráp, chiếc guốc, nó vượt lên bức họa lồng khung quý giá, từ một phương tiện phụ thuộc làm tôn vẽ đồ vật, nó trở nên một phương tiện độc đáo diễn đạt nổi tâm hồn người nghệ sĩ, một phương tiện lấn át cả sơn dầu. Quên dĩ vãng Sơn Ta đổi tên nhũn nhặn là Sơn Mài" - Tô Ngọc Vân



Sơn ta Việt Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét