Thứ Bảy, 13 tháng 9, 2014

Thế giới huyền ảo của tranh sơn ta (p1)


Thế giới huyền ảo của tranh sơn ta (p1)

Lần thứ hai tôi vào xem tranh của “Nhóm họa sĩ Sơn ta Việt Nam”, triển lãm mở từ 16 - 30/5/2014 tại Viện Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam với cảm xúc ngày càng bất ngờ. Hai chữ “Sơn ta” thật giản dị, khiêm nhường nhưng lần này, 29 tác giả đã làm nên một khu vườn nghệ thuật trầm ấm, dịu dàng và say đắm chất phiêu linh. Cho dù ở bất cứ đề tài nào, động hay tĩnh, các tác phẩm đã phát huy được chất liệu cổ truyền mang đậm sắc vàng son cùng với sự giao thoa những bảng màu hiện đại, tạo được nét mới lạ cho tranh Sơn ta.




Tranh Đêm hội Long Trì - Nguyễn Trường Linh.

Sự dấn thân trong một thế giới đầy bí ẩn

Tôi nói không ngoa rằng, để giữ được chứ chưa nói phát huy cho hết sự bí ẩn của tranh sơn mài Việt Nam, đòi hỏi sự dũng cảm và hết mình trong lao động của mỗi họa sĩ. Đã hàng chục năm qua, tranh sơn ta bị bỏ rơi và biến chất với những thứ sơn Nhật, sơn Thái, sơn Tàu, qua những tranh sơn mài giả cầy để bán cho khách du lịch. Đó chỉ là những bức tranh bóng nhẫy, cứng nhắc, nông choèn với sắc màu sặc sỡ thị trường.

Nhiều người hoang mang lâu nay luôn luôn tự vấn, còn đâu những vẻ đẹp huyền ảo và sâu lắng ấm áp của những hình ảnh tranh sơn mài của những bậc tiền bối khai phá ra một dòng tranh sơn mài, đậm chất thi ca của dân tộc cổ truyền. Danh họa Nguyễn Gia Trí đã từng bày tỏ về sự lao động của mình với tranh sơn mài thuở ban đầu: “Tôi tìm tòi và sáng tạo với tất cả linh tính. Không phải sáng tạo bằng mắt, bằng tay mà gần như người mù sờ soạng, mò mẫm trong đêm tối để tìm cái đẹp...”. Điều đó đã nói lên công việc làm tranh sơn mài có màu sắc tâm linh và sản phẩm hình thành đôi khi là cả một sự bất ngờ đối với chính họa sĩ.

Sơn là vẽ, mài cũng là vẽ. Sơn chồng sơn. Hình ẩn, nét chìm cùng những chạm cẩn vỏ trứng, vàng bạc bỗng hiện lên sau những cảm xúc qua công đoạn mài cần mẫn theo thời gian. Có những tác phẩm phải mất vài ba tháng mới hoàn thành là vì thế. Không ít tác phẩm sơn mài của những họa sĩ tài năng đã trở nên vô giá như Hoa dọc mùng, Chùa Thiên Mụ của Nguyễn Gia Trí; hay Mùa đông sắp đến của Trần Văn Cẩn; hoặc Nhớ một chiều Tây Bắc của Phan Kế An. Còn nữa, đây đó là tranh của Trần Đình Thọ, Nguyễn Sáng, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Văn Tỵ... Đặc biệt, với danh họa Nguyễn Sáng - người được coi là một họa sĩ tiêu biểu, ở đỉnh cao khi miêu tả hiện thực sống động nhất qua nghệ thuật tranh sơn mài, mà trước đó nó chỉ phù hợp với những phong cảnh thiên nhiên giàu ý thơ. Đó là Lớp học đêm hay Kết nạp đảng ở Điện Biên Phủ... chất thâm trầm phôi phai lung linh của sơn mài đã được họa sĩ Nguyễn Sáng phả hơi thở của thời đại với sự huyền ảo lạc quan và nồng ấm sự sống.

Một quá trình lao động “khổ sai” cho nghệ thuật tranh sơn mài theo đúng nghĩa, đòi hỏi một tình yêu nghề nghiêm túc và không vụ lợi. Tôi muốn nhấn mạnh thêm điều đó để nói lên tình yêu đối với nghệ thuật sơn mài của “Nhóm họa sĩ Sơn ta Việt Nam” này thật đáng quý trọng.


Sơn ta Việt Nam
Sontavietnam.com


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét